Bản tin phái sinh tuần 06/05 - 10/05/2019: "Rủi ro giảm dần..."

Chia sẻ trên:    1473

(Bài viết được đăng lên báo Đầu tư chứng khoán ngày 06.05.2019 - Thực hiện bởi đội ngũ Chuyên gia HSC Oline)

Cho dù pha giảm vẫn chưa kết thúc nhưng mức độ rủi ro của thị trường đã bị hạn chế đi rất nhiều bởi bên bán không còn làm chủ tình hình, áp lực không còn quá lớn. Trong khi đó, động lực tăng thì cũng đang được để ngỏ vì thị trường thiếu câu chuyện dẫn dắt dòng tiền quay trở lại các cổ phiếu trụ. Do vậy, kịch bản tích lũy đi ngang trên nền thanh khoản thấp nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong tuần này.

 

Yếu tố cơ bản: “Fed khó giảm lãi suất” 

Fed giữ nguyên lãi suất bất chấp sự chỉ trích của tổng thống Trump: việc Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu có sự rung lắc nhất định. Theo thống kê của CMEGroup, khả năng Fed tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản 2.25-2.5% đang là 50.4%, trong khi đó chỉ có 37.5% khả năng Fed sẽ giảm lãi suất xuống còn 2.0-2.25%. Nhìn chung, với lạm phát ở Mỹ không quá nóng nên khả năng Fed giảm lãi suất không được đánh giá cao. 

 

Fed khó giảm lãi suất

 

Tỷ giá hạ nhiệt nhưng lạm phát đang là mối lo lớn: Tỷ giá USDVND trong vài ngày gần đây có dấu hiệu hạ nhiệt sau nhịp biến động theo giá Dollar quốc tế. Theo quan sát, tỷ giá giao dịch ở các ngân hàng vẫn ổn định, tính từ đầu năm 2019 chỉ tăng khoảng 0.3%. Ở một diễn biến khác, câu chuyện lạm phát tiếp tục là mối lo ngại lớn khi giá xăng dầu tiếp tục tăng, đi kèm với giá điện cũng khiến người dân tốn nhiều chi phí hơn, điều này đẩy mặt bằng lãi suất tăng lên khiến dòng tiền vào các kênh đầu tư như chứng khoán càng bị bóp lại.

 

Yếu tố kỹ thuật: “Rủi ro không lớn nhưng cũng khó bứt phá?”

Loay hoay tại “cửa sóng”

 

Loay hoay tại cửa sóng

 

Các chỉ số vẫn chưa vượt qua được “cửa sóng” để mở đầu cho xu hướng tăng mới. Diễn biến này cũng hoàn toàn hợp lý bởi thời gian tích lũy và hồi phục 2 tuần là quá ngắn so với xu hướng giảm kéo dài 2 tháng.
Độ lệch giữa phái sinh và cơ sở vẫn lớn, trạng thái này tiếp tục cho thấy tâm lý chung của nhà đầu tư giao dịch phái sinh vẫn rất thận trọng, thậm chí phần đông vẫn thiên về chiều hướng giảm trước sự hồi phục tương đối mong manh của chỉ số cơ sở.

 

Bên mua dần dần chiếm thế chủ động

 

Bên mua dần chiếm thế chủ động

 

Công bằng mà nói dòng tiền tham gia giao dịch giai đoạn này không ấn tượng, cả cung và đều ở mức rất thấp – đây là diễn biến không có lợi có sự bứt phá của các chỉ số chung. Tuy nhiên, điểm tích cực đang xuất hiện với sự áp đặt của bên mua đang dần trở lại hay diễn giải một cách chính xác hơn là bên lực cung đang cạn dần.
Trong một môi trường mà lực bán đang cạn kiệt thì cơ hội bứt phá là không hề nhỏ và thị trường chỉ cần một chất xúc tác để kích thích sự quay trở lại mạnh mẽ của bên đi mua. Nhìn chung, xét về góc độ cung cầu, mức độ rủi ro là không quá cao.

 

Đà lan tỏa xác lập đáy rất vững

 

đà lan tỏa xác lập đáy rất vững

 

Mặc dù vẫn chưa thể bứt phá qua khu vực tích lũy một cách thuyết phục nhưng với trạng thái hiện tại thì chúng có thể tạm thời yên tâm về nền giá của thị trường, ít nhất là nền giá đang được củng cố rất vững, đóng vai trò là vùng đệm quan trọng bên dưới.
Ngoài ra, đà lan tỏa trung bình 10 phiên cũng đang có tín hiệu tạo đáy và đang tăng trở lại. Do đó, rủi ro của thị trường nhìn chung là thấp.

>> Xem thêm: Chỉ báo tâm lý thị trường

 

Kỳ vọng vào nhóm Ngân hàng

 

kỳ vọng vào nhóm ngân hàng

 

Các nhóm ngành trụ vẫn hoạt động không tốt như sự kỳ vọng, sự hồi phục cũng chỉ đến từ nổ lực của một vài cổ phiếu riêng lẻ như HPG hay VJC. Nhóm Ngân hàng vẫn tương đối rời rạc khi không có sự đồng thuận cần thiết ở các cổ phiếu trụ như VCB, TCB hay CTG, nhưng trong tuần tới chúng ta có quyền đặt sự kỳ vọng vào nhóm này khi dòng tiền đang bắt đầu vào nhiều hơn mặc dù giá chưa tăng.
Trong khi đó, nhóm bất động sản (VIC, VHM, VRE) dường như chỉ đóng vai trò là nhóm tạo lập giữ nhịp cho thị trường và cũng rất khó để thị trường chung kỳ vọng vào nhóm này trở thành nhóm dẫn dắt. Thực phẩm & đồ uống, đặc biệt là VNM vẫn rất ì ạch khi chưa vá lại được xu hướng tăng đã bị mất trước đó.

 

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: “Mua tại hỗ trợ - Bán tại kháng cự”

 

Khuyến nghị giao dịch phái sinh

 

Các góc nhìn khác nhau cho thấy mức độ rủi ro hiện tại là không cao hay thị trường khó giảm mạnh ở thời điểm này, nhưng điều này cũng không đồng nghĩa chỉ số sẽ bứt phá. Trong một môi trường đầu tư trống vắng thông tin hỗ trợ và dòng tiền thiếu câu chuyện dẫn dắt thì rõ ràng kịch bản tăng mạnh cũng không được đánh giá cao trong ngắn hạn. Thay vào đó, chúng tôi nghiêng về kịch bản các chỉ số sẽ duy trì mặt bằng tích lũy đi ngang trong biên độ hẹp 5 -10 điểm trên nền thanh khoản thấp như hiện tại. Do đó, chiến lược Mua khi chạm hỗ trợ và Bán khi chạm kháng cự là chiến lược khả thi nhất ở giai đoạn này.

  • Kịch bản Short (Bán) sẽ được kích hoạt khi chỉ số phái sinh VN30F1905 tiếp cận vùng cửa sóng là kháng cự 880 - 885 điểm.
  • Kịch bản Long (Mua) sẽ khả thi khi chỉ số tiếp cận vùng hỗ trợ mạnh quanh khu vực 865 - 870 điểm. Lưu ý với hoạt động giao dịch trong biên, kỳ vọng lợi nhuận cho mỗi lệnh giao dịch nên đặt ở mức vừa phải và cắt lỗ thật nhanh khi có những biến động bung ra ngoài biên giao dịch nêu trên. 

>> Xem thêm: Bản tin tối - Phái sinh