Triển vọng thị trường tuần 02-03/05: Linh hoạt theo diễn biến thị trường!

Chia sẻ trên:    897

(Bài viết được đăng lên báo Đầu tư chứng khoán ngày 02/05/2019 - Thực hiện bởi đội ngũ Chuyên gia HSC Online)

Tình hình thị trường đang tốt dần lên nhưng chưa xác nhận cho tín hiệu tạo đáy thành công khi bên đi mua vẫn chưa lấy lại sự áp đặt so với bên bán và sự lan tỏa của dòng tiền đang diễn ra tương đối cục bộ. Chỉ số đang bước vào vùng nhạy cảm, là cửa sóng tăng mới, do đó sự bùng nổ về thanh khoản là điều cần được nhìn thấy ở các phiên tới.

 

Yếu tố cơ bản: “Tỷ giá bật tăng mạnh”

  • Mỹ - Trung tiếp tục đàm phán, cố gắng nhất trí thỏa thuận trong tháng 5: Cuộc gặp cấp bộ trưởng tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bắt đầu từ ngày 30/4 trong bối cảnh hai bên đang tìm cách nhất trí về một dự thảo thỏa thuận vào cuối tháng 5. Phái đoàn đàm phán hai bên hướng đến tổ chức thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ký thỏa thuận.
  • Tỷ giá tăng mạnh: Tỷ giá USD/VND liên tục tăng mạnh trong các phiên gần đây theo đà tăng của đồng USD trên thị trường quốc tế. Đây rõ ràng là diễn biến không được chờ đợi bởi áp lực cho lạm phát (chi phí nhập khẩu tăng) càng ngày càng lớn hơn gây thách thức lớn cho kinh tế vĩ mô và triển vọng của thị trường chứng khoán.


Yếu tố kỹ thuật: “Qua cơn bĩ cực?”

Giải tỏa sức ép

 

vn30 tuần 18

 

Chỉ số có nhịp hồi phục trở lại rất đáng kể, vùng hỗ trợ quanh 860 điểm trên phái sinh và 870 trên cơ sở về cơ bản đã phát huy hiệu quả với việc chỉ số ngay lập tức bật nảy trở lại khi tiếp cận vùng này.
Chỉ số có sự cải thiện nhưng tâm lý nhà đầu tư chưa chắc được cải thiện. Độ lệch vẫn rất lớn giữa cơ sở và phái sinh phản ánh rõ cho cục diện đó, hay nói cách khác chỉ số phái sinh tăng theo cơ sở. Do vậy, mặc dù có hồi phục nhưng tâm lý chung của nhà đầu tư vẫn rất mong manh.

 

Cung và cầu cân bằng

thống kê xác suất đầu tư ngắn hạn

 

Dòng tiền diễn biến khá tích cực trong tuần qua, cầu tăng dần hình thành đáy sau cao hơn, ngược lại cung giảm dần phản ánh sự chủ động hơn của bên đi mua và sự áp đặt của bên bán đang ngày càng suy yếu.
Điều kiện cần để thị trường tạo cú bứt phá là cầu phải tạo điểm cắt lên cung chứng tỏ sự áp đảo của dòng tiền đi mua, điều đó chưa xảy ra vào lúc này nên nhìn chung khả năng tạo đáy của thị trường vẫn còn để ngỏ theo góc nhìn cung-cầu.

>> Xem thêm: Chỉ báo tâm lý thị trường

 

Đà lan tỏa xác nhận tín hiệu tạo đáy

đà lan tỏa theo vốn hóa

 

Nền giá thị trường tạo ra mẫu hình 2 đáy và sau rất nhiều nhịp kiểm chứng thì cũng đã bứt qua được vùng quá bán, xác nhận cho quá trình tạo đáy.
Diễn biến chỉ số rất tích cực, nó cho thấy thị trường đang thiết lập vùng đệm rất vững chắc phía dưới, đà lan tỏa trong 10 ngày cũng đang trong quá trình tạo đáy. Mặc dù dòng tiền chưa xác nhận một cách rõ ràng nhưng với việc nền giá đang được củng cố thì ít nhất chỉ số cũng khó giảm sâu trong giai đoạn này.

 

Trụ đỡ tốt nhưng chưa lan tỏa rộng

Trụ đỡ tốt nhưng chưa lan tỏa rộng

 

Các cổ phiếu trụ hoạt động tốt trong tuần này mặc dù độ bền vững thì chưa được đánh giá cao. Ngoài ra, số lượng cổ phiếu lấy lại xu hướng tăng (47%) vẫn kém hơn các cổ phiếu trong xu hướng giảm (53%) cũng cho thấy trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” của thị trường.
Nhóm không được kỳ vọng thì lại tạo được bất ngờ, còn nhóm được kỳ vọng cao lại đem đến sự thất vọng – đó là thực trạng diễn biến của các nhóm ngành trụ trong tuần qua. Bất động sản (VIC, VHM, VRE) tạo hiệu ứng tích cực là lực kéo chính cho chỉ số chung. Trong khi đó, Thực phẩm đồ uống (VNM, MSN) vẫn rất ì ạch với dòng tiền kém, còn nhóm Ngân hàng (VCB, BID, TCB) thì vẫn chưa có nhiều sự cải thiện, thậm chí diễn biến còn kém hơn. Do đó, động lực tăng của thị trường đang phụ thuộc rất lớn vào nhóm bất động sản. Suy rộng ra, trong bối cảnh dòng tiền lan tỏa không rộng thì cũng rất khó để chỉ số bứt phá thành công trong ngắn hạn.

 

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: “Cửa sóng tăng trước mắt, có chinh phục được không?”

 

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch

 

Một khoảng trống thông tin 3 ngày nghỉ lễ hoàn toàn có thể khiến mọi tư duy cũng như tâm lý nhà đầu tư hiện tại bị thay đổi mạnh, nhất là những diễn biến thị trường quốc tế đang rất nhạy cảm. Các chỉ số cũng đang vận động quanh “cửa sóng” – một giá rất nhạy cảm hoặc là tăng để mở ra xu hướng tăng mới hoặc là giảm trở lại tiếp diễn đà giảm. và lẽ dĩ nhiên, một vùng nhạy cảm như vậy sẽ chứng kiến sự giằng co quyết liệt giữa người mua - người bán. Do vậy, việc áp đặt tư duy cho thị trường ở giai đoạn này là rất khó và cũng không nhất thiết phải như thế vì 2 kịch bản Mua và Bán đều có xác suất 50/50.
Kịch bản Long (Mua) sẽ được kích hoạt trong 2 trường hợp. Đầu tiên là trường hợp giá bứt qua cửa sóng với vùng kháng cự 880-885 điểm trên chỉ số phái sinh, cú tăng với thanh khoản bùng nổ thì càng đáng tin cậy cho vị thế Long. Trường hợp hai, chỉ số quay lại tiếp cận vùng đáy cũ là hỗ trợ 860 điểm. Kịch bản Short (Bán) được cân nhắc khi chỉ số có dấu hiệu đuối sức với thanh khoản mua lên kém ngay cửa sóng 880-885 điểm.

>> Xem thêm: Chiến lược giao dịch HĐTL

 

Bài viết được thực hiện bởi đội ngũ Chuyên gia HSC Online

Đăng lên báo Đầu tư chứng khoán ngày 02/05/2019