Công ty chứng khoán phòng ngừa rủi ro như thế nào với sản phẩm chứng quyền?

Chia sẻ trên:    14058

Điều kiện phát hành chứng quyền có bảo đảm

Theo quy định về điều kiện phát hành chứng quyền có bảo đảm, chỉ các công ty chứng khoán đáp ứng các điều kiện về hiệu quả kinh doanh, quy mô vốn chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định 60/2015/ NĐ-CP mới được phép phát hành chứng quyền có bảo đảm. Theo đó, tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm là các công ty chứng khoán và phải đáp ứng một số điều kiện như sau:

- Không có lỗ lũy kế, có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu đạt tối thiểu 1.000 tỷ đồng trở lên theo báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán của năm gần nhất và báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã kiểm toán soát xét;

- Được cấp phép đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán;

- Không bị đặt trong tình trạng cảnh báo, tạm ngừng hoạt động, đình chỉ hoạt động hoặc trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản;

- Báo cáo tài chính của năm liền trước đã được kiểm toán bởi công ty kiểm toán được chấp thuận không có ngoại trừ.

Ngoài ra, để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho người sở hữu chứng quyền bảo đảm, tổ chức phát hành phải ký quỹ tài sản đảm bảo thanh toán (tiền, chứng chỉ tiền gửi hoặc có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng lưu ký) tại ngân hàng lưu ký trong suốt thời gian có hiệu lực của chứng quyền với giá trị ký quỹ là 50% giá trị đợt chào bán (không tính phần hủy niêm yết). Tài sản đảm bảo thanh toán không được dùng để cầm cố, thế chấp, làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay hoặc các nghĩa vụ tài chính khác của tổ chức phát hành hay của bất cứ bên thứ ba khác.

 

 

Hoạt động phòng ngừa rủi ro của tổ chức phát hành

Để đảm bảo hoạt động phòng ngừa rủi ro, tổ chức phát hành phải đảm bảo có tối thiểu 01 nhân viên tại bộ phận quản lý rủi ro có chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính hoặc chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ hoặc chứng chỉ phân tích tài chính bậc II (CFA level II). Giao dịch phòng ngừa rủi ro phải thực hiện trên một tài khoản giao dịch độc lập chỉ dành riêng cho hoạt động phòng ngừa rủi ro hoặc trên tài khoản tự doanh của tổ chức phát hành. Tổ chức phát hành phải đảm bảo có đủ số lượng chứng khoán cơ sở để phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền đang lưu hành theo phương án phòng ngừa rủi ro.

Chứng khoán trong giao dịch phòng ngừa rủi ro bao gồm chứng khoán cơ sở và các chứng khoán phát hành dựa trên chứng khoán cơ sở đó phù hợp với quy định pháp luật. Chứng khoán dùng cho mục đích phòng ngừa rủi ro không được sử dụng để cầm cố, thế chấp, ký quỹ, cho vay hoặc làm tài sản đảm bảo. Tổ chức phát hành có trách nhiệm quản lý, hạch toán độc lập danh mục chứng khoán phòng ngừa rủi ro và đáp ứng yêu cầu về mức độ phòng ngừa rủi ro theo quy chế của Sở Giao dịch chứng khoán.

 

Sở Giao dịch chứng khoán áp dụng các biện pháp xử lý như thế nào trường hợp tổ chức phát hành không tuân thủ phương án phòng ngừa rủi ro theo quy định?

Tổ chức phát hành giải trình nếu chênh lệch giữa vị thế phòng ngừa rủi ro lý thuyết và vị thế phòng ngừa rủi ro thực tế trên 20% trong vòng 03 ngày làm việc liên tục. và phải thực hiện phòng ngừa rủi ro để giảm chênh lệch xuống bằng hoặc dưới 20%.

Tổ chức phát hành phải nộp tiền vào tài khoản tự doanh tương ứng với phần chênh lệch giữa vị thế phòng ngừa rủi ro lý thuyết và vị thế phòng ngừa rủi ro thực tế tính theo giá thị trường nếu chênh lệch này vượt quá 50% trong 03 ngày làm việc liên tục.

Cảnh báo trên toàn thị trường nếu tổ chức phát hành không thực hiện phòng ngừa rủi ro theo yêu cầu của Sở Giao dịch chứng khoán sau khi bị yêu cầu giải trình đến lần thứ ba hoặc không nộp tiền theo quy định.

Toàn bộ chứng quyền đã phát hành sẽ bị tạm ngừng giao dịch nếu sau khi bị cảnh báo, tổ chức phát hành vẫn không thực hiện phòng ngừa rủi ro để giảm mức chênh lệch giữa vị thế phòng ngừa rủi ro lý thuyết và vị thế phòng ngừa rủi ro thực tế xuống bằng hoặc dưới 20% hoặc không nộp tiền theo quy định trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày bị cảnh báo.

Toàn bộ chứng quyền đã phát hành sẽ bị hủy niêm yết nếu tổ chức phát hành vẫn không thực hiện đưa mức chênh lệch giữa vị thế phòng ngừa rủi ro lý thuyết và vị thế phòng ngừa rủi ro thực tế xuống bằng hoặc dưới 20% và không có phương án xử lý phù hợp trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày chứng quyền bị tạm ngừng giao dịch.

Chứng quyền được đưa ra khỏi diện cảnh báo nếu tổ chức phát hành duy trì được mức chênh lệch giữa vị thế phòng ngừa lý thuyết và vị thế phòng ngừa thực tế không vượt quá 20% trong vòng 30 ngày giao dịch hoặc tổ chức phát hành đã nộp tiền theo quy định.

 

>> Có thể bạn quan tâm:

Chứng quyền có bảo đảm hoạt động như thế nào?

Cách đầu tư chứng quyền

Quy định tạo lập thị trường với chứng quyền