Bản tin phái sinh: Triển vọng thị trường phái sinh tuần tới (06/01/2020 – 10/01/2020)

Chia sẻ trên:    2799

Sau những nhịp hồi phục liên tiếp thì việc chững lại của chỉ số cũng là diễn biến cần thiết. Dòng tiền kém vẫn là bài toán khá hóc búa cho khả năng bứt phá của thị trường, do đó việc chững lại để tạo đà, hút thêm dòng tiền đầu cơ là diễn biến phù hợp. Ngoại trừ những tin tức liên quan đến tình hình địa chính trị khó kiểm soát được thì những góc nhìn khác đều khả quan. Do vậy, xu hướng tăng của thị trường chung vẫn còn được duy trì và chiến lược Mua (Long) vẫn nên được ưu tiên trong các phiên tới.

 

Yếu tố cơ bản: “Mối lo căng thẳng địa chính trị bao trùm toàn cầu”            

Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông – Giá vàng, dầu tăng mạnh!: Sau kỳ nghỉ năm mới TTCK toàn cầu tiếp tục tràn ngập trong sự hứng khởi. Tuy vậy, bức tranh đang dần u ám hơn khi căng thẳng chính trị giữa Mỹ - Iran nổ ra tại Trung Đông. Phản ứng trước thông tin, giá vàng và giá dầu đồng loạt tăng mạnh, trong khi các chỉ số chứng khoán lớn đều quay đầu giảm. Thực tế thì TTCK toàn cầu (ngoại trừ TTCK Việt Nam) đã có nhịp tăng kéo dài và việc có “cớ” để điều chỉnh là điều hợp lý, trong trường hợp TTCK tiêu cực thì khả năng bứt phá của VN-Index cũng không cao!

 

Khối ngoại vẫn quyết liệt mua gom chứng chỉ quỹ E1VFVN30 trong khi giao dịch khớp lệnh trên sàn khá hời hợt: tính trong tháng 12, khối ngoại mua ròng gần 300 tỷ chứng chỉ quỹ E1VFVN30, tính từ đầu năm 2020 khối ngoại mua ròng thêm 22 tỷ đồng nữa. Ngược lại, hoạt động giao dịch trên sàn vẫn chưa có xu hướng rõ ràng, với đan xen những phiên mua và bán ròng.

 

Yếu tố kỹ thuật: “Dòng tiền yếu, chưa đủ lực để bứt phá!”

 

Tâm lý dòng tiền đầu cơ thận trọng hơn

Thị trường chịu áp lực điều chỉnh khá lớn vào phiên cuối tuần, xuất phát từ những thông tin khách quan từ bên ngoài, cũng như nhịp hồi của chỉ số cũng chạm tới khu vực quá bán thì áp lực điều chỉnh diễn ra cũng là điều hợp lý.

Thị trường luôn trong trạng thái tâm lý đi lên trong sự hoài nghi khi độ lệch phái sinh liên tục bằng hoặc nhỏ hơn cơ sở trong suốt tuần qua. Kết tuần, độ lệch được kéo giãn ra -4 điểm phản ánh tâm lý lo ngại về triển vọng thị trường trong tuần này của dòng tiền đầu cơ.

VN30 và VN30F2001 có hỗ trợ mạnh quanh khu vực 870-875 điểm.

 

Cung & Cầu chưa ổn định

Diễn biến cung cầu chưa thực sự ổn định khi sự biến động vẫn rất lớn, điểm chung vẫn là quán tính dòng tiền còn yếu và bên mua vẫn đang tỏ ra chủ động hơn so với bên bán.

 

Đà lan tỏa cải thiện dần

 

Đà lan tỏa tiếp tục cải thiện và dư địa tăng của sự lan tỏa ở các cổ phiếu trụ là vẫn còn, đặc biệt là dư địa trong tầm nhìn tính theo tuần.

 

Chờ “sức kéo” khác bên cạnh nhóm Ngân hàng!

Sự lan tỏa trên VN30 là khá khả quan khi đạt hơn quá nửa xét theo tỷ trọng vốn hóa. Tuy nhiên, xét về số lượng thì sự lan tỏa vẫn diễn ra một cách rất cục bộ, đà hồi phục của thị trường phụ thuộc nhiều vào diễn biến tích cực của nhóm Ngân hàng. Do đó, sức đề kháng của thị trường về bản chất cốt lõi là chưa mạnh.

Vẫn luận điểm trong tuần vừa qua là “sau sự dẫn dắt của nhóm Ngân hàng là nhóm nào?” Bất động sản là nhóm được kỳ vọng nối bước nhóm Ngân hàng nhưng thực tế cho thấy Thực phẩm & đồ uống mới là nhóm có diễn biến tích cực hơn đi kèm với sự trở lại của dòng tiền.

 

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: “Ưu tiên canh Long trong các nhịp điều chỉnh”

 

Sau những nhịp hồi phục liên tiếp thì việc chững lại cũng là diễn biến cần thiết. Dòng tiền kém vẫn là vấn đề khá lớn cho khả năng bứt phá của thị trường, do đó việc chững lại để tạo đà hút tiền mới tham gia là diễn biến phù hợp. Ngoại trừ những tin tức liên quan đến tình hình địa chính trị khó kiểm soát được thì những góc nhìn khác đều chưa quá xấu. Do vậy, xu hướng tăng vẫn còn được duy trì và chiến lược Mua (Long) vẫn nên được ưu tiên trong các phiên tới.

Cụ thế, vị thế Mua (Long) sẽ được cân nhắc trong các nhịp điều chỉnh về khu vực hỗ trợ mạnh 870-875 điểm, những nhịp phản ứng tốt với khu vực hỗ trợ này là cơ hội canh Long lý tưởng. Trong khi đó, chiến lược Bán (Short) chỉ nên được cân nhắc nếu giá có những nhịp hồi phục tiếp cận lại khu vực kháng cự 885-890 điểm.