Các chiến lược đầu tư hiệu quả trên thị trường chứng khoán

Chia sẻ trên:    27970

Chiến lược đầu tư chứng khoán là một bộ quy tắc hay phương pháp để giúp nhà đầu tư lựa chọn ra được những cổ phiếu tốt, phù hợp với mục tiêu lợi nhuận và rủi ro của mỗi người. Hiện tại có rất nhiều chiến lược đầu tư được sử dụng và đều đã ít nhiều chứng tỏ hiệu quả, mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư trong những trường hợp nhất định. Tuy nhiên, có 2 chiến lược đầu tư chính, và trong mỗi chiến lược đầu chính này lại được chia ra làm một số chiến lược riêng khác như sau:

 

 

1. Phân tích kỹ thuật

Phân tích kỹ thuật là việc đưa ra các quyết định đầu tư trên cơ sở xem xét biểu đồ cổ phiếu. Có rất nhiều chỉ số trong phân tích kỹ thuật như MACD, SMA, Bollinger Bands, RSI… Tuy nhiên, các chỉ số này đều dựa trên 2 yếu tố cơ bản là giá và khối lượng. Bản chất của phân tích kỹ thuật đó là tìm hiểu tâm lý thị trường và của đa phân nhà đầu tư thông qua xu hướng giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch.

>> Xem chi tiết: Giới thiệu về phân tích kỹ thuật trong đầu tư

 

2. Phân tích cơ bản

Phân tích cơ bản là việc phân tích các yếu tố vĩ mô, phân tích ngành, và phân tích từng doanh nghiệp (DN) để xác định giá trị của DN và đưa ra các quyết định đầu tư. Tuy nhiên, để có các ý tưởng lựa chọn cổ phiếu, DN/ngành và tiếp tục phân tích sâu hơn để đưa ra các quyết định đầu tư, nhà đầu tư có thể dùng 2 phương pháp/chiến lược để lựa chọn cổ phiếu.

 

a. Phương pháp Top-down

Chiến lược đầu tư Top-down là việc lựa chọn ngành/cổ phiếu trên cơ sở phân tích từ trên xuống dưới là phân tích vĩ mô, phân tích ngành, và cuối cùng là phân tích DN. Trên cơ sở phân tích vĩ mô, nhà đầu tư sẽ đánh giá các tài sản/ngành sẽ có kết quả kinh doanh tốt, sinh lợi khả quan trong thời gian tới và lựa chọn những cổ phiếu tốt nhất trong ngành để đầu tư. Ví dụ, nếu nhà đầu tư đánh giá nền kinh tế đang trong chu kỳ Hồi Phục, lãi suất và lạm phát ở mức thấp, tín dụng đang tăng trưởng tốt thì cổ phiếu sẽ có mức sinh lợi tốt hơn các tài sản khác như trái phiếu, hàng hóa, và các ngành sẽ có mức sinh lợi tốt là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất, tiêu dùng không thiết yếu… Lợi ích của phương pháp Top-down là có thể nhìn tổng thể nền kinh tế, các loại tài sản, và các ngành trong nền kinh tế một cách hết sức bao quát.

 

b. Phương pháp Bottom-up

Chiến lược đầu tư Bottom-up là việc lấy ý tưởng đầu tư trên cơ sở phân tích từ dưới lên, từ doanh nghiệp, đến ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động, và sau đó mới phân tích các yếu tố vĩ mô xem DN có lợi hay chịu bất lợi nào. Phương pháp Bottom-up có điểm lợi là phân tích DN chi tiết hơn, tuy nhiên, điểm bất lợi là mất quá nhiều thời gian, và việc phân bổ danh mục có thể tập trung ở một vài mã/ngành nhất định, gây rủi ro tập trung cho danh mục. Để lựa chọn cổ phiếu theo phương pháp Bottom-up, nhà đầu tư thường xây dựng ra các tiêu chí theo các chiến lược đầu tư riêng mà trên cơ sở đó, có 3 chiến lược phố biến là:

• Đầu tư giá trị: là việc lựa chọn các cổ phiếu có giá hiện tại thấp hơn giá trị. Nhà đầu tư sử dụng chiến lược đầu tư giá trị tin rằng, giá cổ phiếu sẽ tăng trở về giá trị cổ phiếu và mang lại lợi nhuận.

>>Xem chi tiết: Sơ lược về đầu tư giá trị

• Đầu tư tăng trưởng: là việc lựa chọn cổ phiếu của các công ty được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận cao trong thời gian tới (cao hơn trung bình ngành và/hoặc cao hơn mức trung bình của thị trường).

>> Xem chi tiết: Sơ lược về đầu tư tăng trưởng

• Đầu tư nhận cổ tức: là việc mua cổ phiếu để nhận dòng cổ tức doanh nghiệp trả cho chủ sở hữu. Thông thường, nhà đầu tư mua cổ phiếu để nhận cổ tức thường lựa chọn những DN trả cổ tức ở mức cao và hoạt động ổn định để đảm bảo dòng cổ tức sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai.

>> Xem thêm: Cách đầu tư chứng khoán hiệu quả