Sử dụng RSI để giao dịch với trạng thái quá mua, quá bán

Chia sẻ trên:    51588

Chỉ báo động lượng (Momentum Indicator) dùng để đo lường mức độ, trạng thái tăng/giảm của cổ phiếu. Trong các chỉ báo động lượng, có lẽ được biết đến nhiều nhất là RSI. Đối với RSI, có thể sử dụng các tín hiệu quá mua, quá bán, tín hiệu phân kỳ hay cả mô hình kỹ thuật của chính RSI. Cách dùng đơn giản và phổ biến nhất là sử dụng các ngưỡng quá mua và quá bán. Tuy nhiên không phải ai cũng biết sử dụng đúng cách.

Chỉ báo RSI & quá mua, quá bán

Chỉ số RSI dùng để đo sức mạnh hoặc độ yếu tương đối của một loại chứng khoán khi nó tự so sánh với chính nó trong một khoảng thời gian nhất định (thường dùng là 14 ngày). RSI là một công cụ đo dao động (oscillator) có biên trên và biên dưới dao động 0-100 (Phần dưới cùng của biểu đồ trên: RSI – 14 ngày). Đường trung bình nằm giữa ở mốc 50. Biểu đồ RSI có các đường chính đáng chú ý sau:

  • Đường 50 ở giữa, là một dấu hiệu nhận biết chứng khoán sắp tăng giá hay giảm giá. Nếu đường RSI tăng vượt qua đường này, đó là dấu hiệu giá của loại chứng khoán đó có kỳ vọng tăng giá (Bullish). Ngược lại, nếu đường RSI giảm xuống dưới đường này, đó là dấu hiệu giá của loại chứng khoán đó có kỳ vọng giảm giá (Bearish).
  • Đường 70 (hoặc 80/20) phía trên được coi là ngưỡng lỗ mua (overbought) nghĩa là đã mua lỗ quá nhiều so với mức cân bằng của thị trường. Khi đó, nhà đầu tư sẽ bán bớt ra để trở về mức cân bằng làm cho giá giảm xuống). Thường khi đường RSI rớt xuống dưới ngưỡng 70, đó là dấu hiệu giá chứng khoán đó sắp giảm.
  • Đường 30 (hoặc 20/80) ở dưới được coi là ngưỡng lỗ bán (oversold) nghĩa là lượng bán ra quá nhiều làm giá giảm xuống thấp hơn so với giá cân bằng. Nhà đầu tư sẽ mua thêm để đẩy giá lên). Thường khi đường RSI từ dưới lên và vượt ngưỡng 30, đó là dấu hiệu giá chứng khoán đó sắp tăng.

Như vậy, quá mua quá bán được hiểu đơn giản là chúng ta sử dụng các tín hiệu mua bán khi RSI giao cắt với vùng 30/70 (hoặc 20/80).

 

Hình 1: Cách giao dịch với quá mua, quá bán

 

>> Xem thêm: Sử dụng phân kỳ RSI trong giao dịch cổ phiếu

 

Nên đợi giá ra hẳn ngưỡng quá mua & quá bán mới hành động

Một trong những sai lầm phổ biến của người mới sử dụng RSI đó là hiểu sai về cách giao dịch quá mua/quá bán, sai lầm đó là khi cổ phiếu vừa vào trạng thái quá mua đã tiến hành chiến lược bán và vừa vào vùng quá bán đã tiến hành chiến lược mua. Điều này có thể dẫn đến việc bỏ lỡ một đoạn tăng giá mạnh khi cổ phiếu vào quá mua hoặc giá sẽ tiếp tục giảm dù đã xuất hiện tín hiệu quá bán.

Chiến lược đúng ở đây là nên đợi RSI ra hẳn khỏi vùng quá mua hoặc quá bán và tốt nhất nên được kết hợp thêm với các chỉ báo khác để tăng tính tin cậy, bởi lẽ bản thân RSI cũng thường xảy ra các tín hiệu nhiễu.

Hình bên dưới minh họa RSI vào trạng thái quá Mua trong một giai đoạn dài và đó cũng chính là giai đoạn mà giá tăng mạnh nhất. Như trong ví dụ, từ khi vào trạng thái quá mua cho tới lúc đi ra vùng quá mua, giá cổ phiếu MWG đã tăng từ mức quanh 40 lên tiệm cận vùng 70.

 

Hình 2: Các đoạn trong vùng quá mua, quá bán, giá cổ phiếu thường tăng/giảm mạnh

>> Xem thêm: Kết hợp chỉ báo RSI với mẫu hình giá Inside Bar

 

Bùi Văn Huy- Bộ phận chiến lược thị trường

Công ty cổ phần chứng khoán TP. Hồ Chí Minh HSC