Kiến thức
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm 2017 đầy hứng khởi, VnIndex và HNX-Index đóng cửa ở mức 984.24 điểm và 116.86 điểm; tăng lần lượt 48.03% và 45.9% so với năm 2016. Đây là mức tăng cao nhất của VnIndex trong vòng 8 năm qua (kể từ năm 2009).
Một số người đã bắt đầu lo ngại về mức tăng quá nóng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua và tỏ ra lo ngại về triển vọng thị trường chứng khoán trong năm 2018. Tuy nhiên, trên quan điểm của người viết thì triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2018 vẫn hết sức tích cực trên cơ sở hội tụ của rất nhiều yếu tố chu kỳ kinh tế thế giới, vĩ mô Việt Nam, vi mô, và yếu tố riêng của thị trường chứng khoán để thu hút dòng tiền:
Trước hết, bức tranh kinh tế thế giới hiện tại đang rất xán lạn. Theo Fidelity Investment ngày 20/12/2017, nước Mỹ - đầu tàu kinh tế thế giới: đang ở giữa hoặc cuối của giai đoạn HƯNG THỊNH; tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy giai đoạn suy thoái sắp đến (lạm phát thấp, lợi nhuận doanh nghiệp vẫn được kỳ vọng vẫn tăng tốt); trong khi đó, Trung Quốc và nhiều nước EU khác như Đức, Pháp, Ý đang ở giai đoạn đầu HƯNG THỊNH nên triển vọng vẫn tích cực trong vòng 2 năm.
Thứ hai, kinh tế vĩ mô 2017-2018 tiếp tục ổn định, tạo điều kiện để các DN tăng trưởng: lạm phát được kiểm soát ở mức thấp ~2.6%; lãi suất huy động duy trì ở mức thấp nhất trong nhiều năm ~7.2%, bất chấp việc tín dụng tăng trưởng tốt là 19% - cao nhất trong vòng 5 năm qua. Như vậy, các DN có thể dễ dàng huy động được vốn với lãi suất thấp để tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. GDP 2017 tăng trưởng ở mức 6.81%, cao nhất trong nhiều năm qua. Tuy rằng áp lực lạm phát trong năm 2018 sẽ gia tăng do nhiều yếu tố, trong đó lớn nhất là việc giá hàng hóa cơ bản đang tăng nhanh chóng kể từ đầu năm 2016 như giá dầu, giá thép, quặng sắt, đồng…; tuy nhiên, dù lạm phát 2018 có t ăng lên và được duy trì ở mức 4% thì ở mặt bằng lãi suất hiện tại, mức lãi suất thực năm 2018 vẫn đang là dương 3.2%, là mức cao so với các nước trên thế giới.
Thứ ba, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong năm 2018 vẫn được kỳ vọng tăng trưởng tốt. Theo HSC, lợi nhuận sau thuế của nhóm 70 công ty đứng đầu thị trường sẽ tăng trưởng ~15.9% năm 2018; trong đó, các ngành có mức tăng trưởng tốt nhất là ngân hàng, bất động sản, thép, hàng tiêu dùng.
Cuối cùng, năm 2018 sẽ là năm cao điểm trong việc thoái vốn và IPO các doanh nghiệp nhà nước. Đây sẽ là yếu tố hết sức tích cực để thu hút dòng vốn, đặc biệt là dòng vốn ngoại và TTCK Việt Nam. Các DN lớn tiến hành thoái vốn như PLX, ACV hay IPO như PV Oil, PV Power, BSR, tập đoàn cao su Việt Nam. Với câu chuyện thoái vốn và niêm yết mới, năm 2017 đã là năm kỷ lục thu hút vốn ngoại với các mã được mua ròng nhiều nhất là SAB VNM và VRE.
Tất nhiên, thị trường chứng khoán và kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng như thế giới cũng có những rủi ro nhất định mà chúng tôi sẽ bàn luận chi tiết hơn trong một bài viết khác. Tuy nhiên, sau khi xem xét tổng quan tất cả các yếu tố tác động, theo quan điểm của chúng tôi, năm 2018 vẫn sẽ tiếp tục là năm mang lại lợi nhuận và niềm vui cho các nhà đầu tư. Về mặt điểm số, chúng tôi cho rằng, Index trong năm 2018 sẽ tăng trưởng ~15.9% so với năm 2017. Lý do là vì, xét theo định giá PE của Việt Nam hiện gần tương đương với các nước trong khu vực, do đó, mức tăng trưởng của Index sẽ ngang bằng với mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn, như vậy thì PE của TTCK VN trong năm 2018 sẽ đi ngang bằng với năm 2017. VnIndex năm 2018 được dự đoán đóng cửa ở mức 1,140 điểm.
>> Có thể bạn quan tâm:
Phương pháp chọn thời điểm tham gia thị trường an toàn nhất
Kết hợp công cụ nào khi thị trường đi lên/ đi xuống
Các bài viết nổi bật nhất