Quy định về việc đăng ký niêm yết và công bố thông tin đối với chứng quyền

Chia sẻ trên:    1725

Ngày 2/3/2018, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã ban hành quy chế niêm yết và công bố thông tin chứng quyền có bảo đảm áp dụng cho các đối tượng gồm tổ chức phát hành chứng quyền, ngân hàng lưu ký, nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng quyền và tổ chức, các cá nhân có liên quan. Trong đó quy định việc đăng ký niêm yết và công bố thông tin đối với chứng quyền có bảo đảm niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch của thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật.

 

 

1. Giá chào bán tối thiểu 1.000 đồng

Chứng quyền bảo đảm được niêm yết lần đầu phải có hồ sơ đăng ký niêm yết chứng quyền đầy đủ và hợp lệ, giá chào bán tối thiểu là 1.000 đồng. Tỷ lệ chuyển đổi phải là 1:1 hoặc là n:1 với n là bội số của 1.

Các trường hợp thay đổi đăng ký niêm yết chứng quyền bao gồm thay đổi tăng khi có đợt chào bán bổ sung đối với chứng quyền đã phát hành và thay đổi giảm khi hủy niêm yết một phần chứng quyền.

Tổ chức phát hành phải hủy niêm yết một phần chứng quyền khi tổng số lượng cổ phiếu được quy đổi từ các chứng quyền đã phát hành thuộc tất cả các tổ chức phát hành vượt quá 9% so với tổng số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng.

Sau thời hạn 3 tháng kể từ ngày chào bán, nếu số lượng chứng quyền đang lưu hành ít hơn 50% số lượng chứng quyền đã phát hành, tổ chức phát hành phải hủy niêm yết 40% số lượng chứng quyền đã phát hành.

 

2. Giá thanh toán và giá mua lại chứng quyền

Vào ngày đáo hạn của chứng quyền, Sở giao dịch chứng khoán sẽ thực hiện tính toán và công bố giá thanh toán của chứng quyền. Giá thanh toán chứng quyền khi thực hiện quyền là bình quân giá đóng cửa của chứng khoán cơ sở trong 5 ngày giao dịch liền trước ngày đáo hạn, không bao gồm ngày đáo hạn.

Trường hợp chứng quyền bị hủy niêm yết, trong vòng 24 giờ kể từ ngày có quyết định hủy niêm yết chứng quyền, tổ chức phát hành phải công bố cách thức xác định giá thanh toán chứng quyền cho người sở hữu chứng quyền từ ngày hủy niêm yết có hiệu lực, bao gồm các căn cứ xác định các thông số tính toán giá thanh toán, và phải được tổ chức phát hành quy định tại bản cáo bạch.

 

3. Điều chỉnh giá thực hiện và tỷ lệ chuyển đổi của chứng quyền

Các trường hợp cần điều chỉnh giá thực hiện và tỷ lệ chuyển đổi của chứng quyền bao gồm: Tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở chia cổ tức bằng tiền mặt, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu mới. Khi đó, giá thực hiện và tỷ lệ chuyển đổi được điều chỉnh dựa theo công thức sau:

Giá thực hiện mới = Giá thực hiện cũ x (Giá tham chiếu đã điều chỉnh của tài sản cơ sở tại ngày giao dịch không hưởng quyền/ Giá tham chiếu chưa điều chỉnh của tài sản cơ sở tại ngày giao dịch không hưởng quyền)

Tỷ lệ chuyển đổi mới = Tỷ lệ chuyển đổi cũ x (Giá tham chiếu đã điều chỉnh của tài sản cơ sở tại ngày giao dịch không hưởng quyền/ Giá tham chiếu chưa điều chỉnh của tài sản cơ sở tại ngày giao dịch không hưởng quyền)

 

4. Nguyên tắc công bố thông tin

Tổ chức phát hành thực hiện báo cáo định kỳ hàng tháng về giao dịch tự doanh đối với chứng khoán cơ sở, vị thế mở và giá trị hiện tại của tất cả các chứng quyền trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc tháng. Đồng thời, tổ chức phát hành thực hiện công bố thông tin trong thời hạn 24h, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau:

• Nghị quyết/Quyết định/Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách người sở hữu chứng quyền;

• Nghị quyết/Quyết định về những thay đổi của hoạt động quản trị rủi ro liên quan đến chứng quyền;

• Các sự kiện khác có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sở hữu chứng quyền;

• Khi không thể thực hiện hoạt động tạo lập thị trường vì những lý do bất khả kháng.

Trước ngày thực hiện giao dịch chứng quyền dựa trên chứng khoán cơ sở tối thiểu 3 ngày làm việc, người nội bộ của tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở và người có liên quan phải thực hiện báo cáo, công bố thông tin và chỉ được bắt đầu tiến hành phiên giao dịch đầu tiên sau 24 giờ kể từ khi có công bố thông tin từ SGDCK.

Khi tổ chức phát hành chứng quyền vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động phòng ngừa rủi ro và tạo lập thị trường, chứng quyền sẽ bị đưa vào diện cảnh cáo. Chứng quyền sẽ bị tạm ngừng giao dịch khi tổ chức phát hành vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ tạo lập thì trường hoặc khi chứng khoán cơ sở của chứng quyền bị tạm ngừng giao dịch.

 

>> Có thể bạn quan tâm:

 Hướng dẫn đầu tư chứng quyền từ A đến Z

Những điều cần lưu ý khi giao dịch chứng quyền

Làm sao để mua chứng quyền trên thị trường sơ cấp