Những điều cần biết khi đọc và theo dõi bảng giá chứng khoán

Chia sẻ trên:    7678

Một trong những điều quan trọng để giao dịch chứng khoán hiệu quả là nhà đầu tư cần phải xem hiểu bảng giá chứng khoán, những thuật ngữ hay màu sắc được hiển thị trên đó. Khi nhà đầu tư biết cách đọc bảng giá chứng khoán đúng và nhanh chóng sẽ không bỏ lỡ cơ hội đặt lệnh mua bán đúng thời điểm. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cách đọc và theo dõi  bảng giá chứng khoán nhanh chóng, hiệu quả dành cho các nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

Ý nghĩa các thông tin hiển thị trên bảng giá chứng khoán

Hiểu được ý nghĩa các thông tin hiển thị trên bảng giá chứng khoán là điều vô cùng quan trọng để không bỏ lỡ thời điểm mua mở vị thế và chốt lời với lợi nhuận như kỳ vọng. Bảng giá chứng khoán được chia làm 2 phần bao gồm:

  • Phần hiển thị thông tin tổng quát về thị trường với các chỉ số chính như VN-INDEX (các chỉ số trên sàn HOSE), VN30 (nhóm 30 cổ phiếu bluechip trên sàn HOSE), HNX-INDEX, HNX30 (nhóm 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, thanh khoản tốt trên sàn HNX), UPCOM (các chỉ số trên sàn UPCOM)

  • Phần hiển thị chi tiết giao dịch tại thời gian thực của các mã cổ phiếu trên các sàn HOSE, HNX, UPCOM. Những thông tin này bao gồm: các bước giá mua bán kèm theo khối lượng, giá khớp lệnh theo thời gian thực, giá mở cửa, giá cao nhất và thấp nhất trong phiên giao dịch cũng như tổng khối lượng giao dịch. 

Cách đọc bảng giá chứng khoán đúng sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư kịp thời điểm

Cách đọc bảng giá chứng khoán đúng sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư kịp thời điểm

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên để ý đến màu sắc của các mức giá được hiển thị, để dễ dàng nhận biết sự tăng giảm của cổ phiếu. Nguyên tắc màu sắc của bảng giá là:

  • Màu vàng thể hiện giá tham chiếu, thường là mức giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày hôm trước. Từ mức giá tham chiếu này cộng trừ thêm biên độ giá để tính ra mức giá sàn/trần của mỗi cổ phiếu cụ thể.

  • Màu xanh lá cây hiển thị mức giá tăng so với tham chiếu

  • Màu đỏ hiển thị mức giá giảm so với tham chiếu

  • Màu xanh dương hiển thị mức giá sàn (mức giá thấp nhất có thể có trong phiên giao dịch của ngày hôm đó)

  • Màu tím hiển thị mức giá trần (mức giá cao nhất có thể đạt được trong phiên giao dịch của ngày hôm đó)

Một yếu tố khác cần quan tâm khi đọc bảng giá chứng khoán chính là Room, Nước ngoài  mua (NN mua) và Nước ngoài bán (NN bán). Room là số lượng cổ phiếu nước ngoài được phép sở hữu. Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại này tùy vào từng ngành có sự chênh lệch khác nhau. Tỷ lệ Room của ngành ngân hàng là 30%, Room của các ngành khác có thể là 49%. Biến động của số lượng cổ phiếu trong Room có thể ảnh hưởng đến thanh khoản và giá của cổ phiếu.

Room chứng khoán hiển thị sức mua tối đa của nhà đầu tư nước ngoài

Room chứng khoán hiển thị sức mua tối đa của nhà đầu tư nước ngoài

Nếu cạn Room thanh khoản và giá cổ phiếu giảm mạnh do thiếu lực mua từ các nhà đầu tư nước ngoài. Lúc này xu hướng giá tăng hay giảm sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nhà đầu tư trong nước. Bên cạnh Room, cột NN mua và NN bán thể hiện giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài với từng mã cụ thể. Dựa vào đây nhà đầu tư cũng có thể đưa ra quyết định đầu tư hợp lý. 

Những thắc mắc thường gặp liên quan đến bảng giá chứng khoán

Giá cổ phiếu có phản ánh giá trị của doanh nghiệp?

Trước hết giá cổ phiếu phản ánh mức giá của cổ phiếu ở một thời điểm nhất định, là số tiền nhà đầu tư bỏ ra để trở thành cổ đông của doanh nghiệp. Việc lên xuống giá của cổ phiếu có thể do nhu cầu thị trường, tin tức doanh nghiệp hoặc tình hình kinh tế chung, thậm chí yếu tố chính trị cũng tác động đến thị giá. Trong khi đó, giá trị thực của cổ phiếu hay doanh nghiệp lại do nhiều yếu tố quyết định nhưng chủ yếu là thuộc vấn đề sức mạnh nội tại của doanh nghiệp. Các yếu tố đó là thu nhập, lãi lỗ, doanh số bán hàng, các chỉ số P/E (tỷ lệ giá cổ phiếu/ thu nhập của 1 cổ phiếu), P/B(giá trị của cổ phiếu/ giá trị sổ sách), EPS (thu nhập trên một cổ phiếu). Vì thế không phải giá cổ phiếu sẽ phản ánh đúng với giá trị của doanh nghiệp. Không phải lúc nào doanh nghiệp tốt cũng có mức giá cổ phiếu cao, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tác động của quy luật cung cầu.

Giá cổ phiếu không phải lúc nào cũng phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp

Giá cổ phiếu không phải lúc nào cũng phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp

Vì vậy, nếu nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu dài hạn, hãy xem xét kỹ các yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Có thể thời điểm mua mức giá chưa phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp, nhưng trong tương lai khi giá trị nội tại của doanh nghiệp được khẳng định, nhà đầu tư chắc chắn sẽ thu được nguồn lợi nhuận không nhỏ.

Làm sao để biết giá cổ phiếu đang tăng hay giảm? 

Như trên đã nói, bảng  giá chứng khoán có quy định về màu sắc thể hiện sự giao động của giá cổ phiếu. Một cổ phiếu có mức giá cao hơn so với giá tham chiếu sẽ thể hiện bằng màu xanh lá cây. Các bước giá ở bên mua/ bán đều hiển thị bằng xanh lá cây thể hiện cổ phiếu đang có xu hướng tăng giá.

Ngược lại, khi cổ phiếu có mức giá thấp hơn giá tham chiếu trong ngày sẽ thể hiện bằng màu đỏ lúc này các bước giá mua/bán cũng thể hiện bằng gam màu này cho thấy cổ phiếu đang bị mất giá. Tuy nhiên, biến động giá này có thể diễn ra liên tục trong suốt 2 phiên giao dịch. Và nhà đầu tư chỉ thực sự biết được ngày hôm đó cổ phiếu tăng hay giảm giá khi kết phiên trong ngày. Lúc này màu sắc hiển thị tại Cột khớp lệnh chính là giá đóng cửa của cổ phiếu. Lúc này cổ phiếu có thể gặp các trường hợp tăng (xanh lá cây, tím) hoặc giảm (đỏ, xanh dương) hoặc không thay đổi (màu vàng).

Tại sao các cổ phiếu có biên độ giá trần sàn, bước giá khác nhau?

Để tính giá trần sàn của mỗi mã cổ phiếu, nhà đầu tư cần cộng trừ với biên độ giá của từng sàn với mức giá tham chiếu. Mỗi sàn giao dịch chứng khoán sẽ có biên độ giá khác nhau, dẫn đến có sự chênh lệch đáng kể về khoảng giá trần sàn so với tham chiếu. Cụ thể, sàn HOSE biên độ là 7%, HNX là 10% và UPCOM là 15%. Vì thế, nhà đầu tư cần xem mã cổ phiếu được niêm yết trên sàn gì để theo dõi chính xác.

Ngoài biên độ giá, các bước giá của cổ phiếu cũng có sự khác nhau cơ bản giữa từng sàn.

Sàn

Giá cổ phiếu dưới 10.000 đồng

Giá cổ phiếu từ 10.000 -50.000 đồng

Giá cổ phiếu trên 50.000 đồng

HOSE

Bước giá phải là bội số của 10

Bước giá là bội số của 50

Bước giá phải là bội số của 100

HNX

Bước giá là bội số của 100

UPCOM

Bước giá là bội số của 100

 

 

 

 

 

 

 

 

Cách tính bước giá trên từng sàn với các vùng giá cổ phiếu

Khi biết cách đọc bảng giá chứng khoán nhanh chóng, nhà đầu tư sẽ không bỏ lỡ thời điểm tốt để nắm giữ và chốt lời. Hi vọng với những chia sẻ trên, nhà đầu tư đã hiểu rõ về bảng giá chứng khoán. Chúc nhà đầu tư sẽ có những phiên giao dịch thành công, đạt lợi nhuận như kỳ vọng.

Mở tài khoản chứng khoán