Hedging là gì? Sử dụng hợp đồng tương lai trong phòng ngừa rủi ro

Chia sẻ trên:    60343

Sự ra đời của sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai không chỉ mang đến cho nhà đầu tư một kênh đầu tư mới mà còn đóng vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả. Song tính đến nay không có nhiều nhà đầu tư phát huy được vai trò phòng ngừa rủi ro của sản phẩm này thay vào đó là việc tận dụng sự biến động giá của thị trường để mua – bán, hưởng chênh lệch ngay trong phiên. Vì vậy, để giúp nhà đầu tư khai thác tối ưu nhất sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số, bài viết dưới đây sẽ giải đáp các câu hỏi liên quan đến kỹ thuật hedge cũng như cách sử dụng hợp đồng tương lai trong phòng ngừa rủi ro.  

 

hedging là gì

 

1. Hedging là gì?

Trong giao dịch tài chính, mức kỳ vọng lợi nhuận thường tỷ lệ thuận với rủi ro đi kèm. Tuy nhiên, có những lúc rủi ro lại tăng cao hơn lợi nhuận kỳ vọng. Ví dụ: Khi thị trường giảm điểm, bạn sẽ phải chấp nhận thực tế mức thua lỗ trong danh mục nhiều hơn là lợi nhuận đạt được.

Kỹ thuật Hedge là cách nhà đầu tư bảo vệ danh mục của mình trước biến động của thị trường. Việc này giống như dự đoán về thời tiết khi đi nghỉ mát. Nếu dự báo thời tiết có mưa, bạn sẽ mang theo ô để đề phòng.

Giả sử, bạn đang có một danh mục đầu tư với nhiều mã cổ phiếu ưng ý. Tuy nhiên, dự đoán thị trường lúc này tiêu cực, bạn sẽ kỳ vọng danh mục của mình bị ảnh hưởng và thua lỗ trong giai đoạn này. Lúc này, bạn có thể giảm tỷ trọng danh mục, sau đó mua lại khi thị trường tốt hơn. Nhưng điều này tốn kém về chi phí và rủi ro không mua lại được với giá hợp lý. Vì vậy, bạn có thể lựa chọn kỹ thuật Hedge, qua đó danh mục của bạn sẽ không biến động cùng với thị trường.

 

2. Sử dụng hợp đồng tương lai trong phòng ngừa rủi ro

Hợp đồng tương lai là sản phẩm phái sinh cho phép bạn có thể bán khống và kiếm lời khi thị trường giảm điểm. Chính yếu tố này mang lại một “tấm khiên” bảo vệ danh mục đầu tư. Cụ thể, khi thị trường giảm điểm, hợp đồng tương lai mang lại lợi nhuận và bù vào số tiền thua lỗ từ danh mục đầu tư. Do vậy, xét về tổng thể, nhà đầu tư sẽ không tác động từ đà giảm từ thị trường.

Ví dụ: Nhà đầu tư có danh mục gồm 2 mã cổ phiếu với trị giá 10 triệu đồng. Do lo lắng thị trường giảm điểm, nhà đầu tư đã thực hiện Short (bán khống) 01 hợp đồng tương lai.

Giả sử thị trường thật sự giảm điểm. Danh mục của nhà đầu tư giảm còn 8 triệu. Tuy nhiên, vị thế Short tại hợp đồng tương lai đã lời 1 triệu. Do vậy, nhà đầu tư chỉ còn lỗ 1 triệu, ít hơn so với việc không phòng ngừa rủi ro.

 

3. Bán khống là gì? Thực hiện short với Hợp đồng tương lai để làm gì?

Bán khống (Short Sell) là vị thế giao dịch đặt cược vào khả năng giảm của tài sản (chỉ số, cổ phiếu…) trên thị trường phái sinh. Khi thực hiện lệnh giao dịch này, nhà đầu tư sẽ tạo vị thế bán với giá thị trường. Trên thị trường chứng khoán cơ sở hiện tại chưa cho phép bán khống và đây là một ưu điểm của thị trường phái sinh. Khi muốn kết thúc vị thế, nhà đầu tư sẽ thực hiện mua lại (cover) vị thế của mình.

Short với hợp đồng tương lai là thực hiện lệnh bán khống hợp đồng tương lai với mục đích kiếm lời khi giá giảm.

Ví dụ: Short hợp đồng tương lai giá 860: Nhà đầu tư đặt lệnh bán khống hợp đồng tương lai. Khi giá về 840, nhà đầu tư thực hiện chốt lời. Hành động chốt lời (Cover) được hiểu là nhà đầu tư sẽ mua lại hợp đồng tương lai đã bán khống trước đó.

=> Phần chênh lệch giá 20 điểm khi bán được giá cao và mua lại giá thấp được xem là lợi nhuận của nhà đầu tư.