Cách xem bảng giá chứng khoán điện tử

Chia sẻ trên:    154545

 

Hướng dẫn xem bảng giá chứng khoán

 

I. Thông tin cơ bản

Các thông tin tổng hợp bao gồm: Ngày giao dịch, Số GD, Tổng KLGD, Tổng GTGD, giá trị của chỉ số VN Index, VN30 Index, phiên khớp lệnh, khối lượng và giá trị khớp lệnh của từng đợt khớp lệnh.

hướng dẫn xem thông tin cơ bản trên bảng giá chứng khoán

 

II. Ý nghĩa các cột trong bảng

ý nghĩa của các cột trong bảng giá chứng khoán

 

1. “Mã CK” (Mã chứng khoán): Là mã giao dịch của các công ty cổ phần niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh.

 

2. “ĐCGN” (Giá tham chiếu): Là giá đóng cửa của phiên giao dịch gần nhất trước đó trừ các trường hợp đặc biệt.

 

3. “Trần” (Giá trần): Là mức giá cao nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch. Giá trần là mức giá tăng thêm 7% so với giá tham chiếu.

 

4. “Sàn” (Giá sàn): Là mức giá thấp nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch. Giá sàn là mức giá giảm 7% so với giá tham chiếu.

 

5. “Dư mua”: Là hệ thống cột biểu thị 03 mức giá đặt mua tốt nhất (giá đặt mua cao nhất) và khối lượng đặt mua tương ứng. Ý nghĩa cụ thể từng cột như sau:

- Cột “Giá 1”“KL 1”: Biểu thị mức giá đặt mua cao nhất hiện thời và khối lượng đặt mua tương ứng với mức giá đó. Những lệnh đặt mua ở mức “Giá 1” luôn được ưu tiên thực hiện trước so với những lệnh đặt mua khác.

- Cột “Giá 2”“KL 2”: Biểu thị các lệnh đặt mua ở mức “Giá 2”“KL 2”. Lệnh đặt mua ở mức “Giá 2” có độ ưu tiên chỉ sau lệnh đặt mua ở mức “Giá 1”.

- Tương tự như vậy, cột “Giá 3”“KL 3” là cột mà các lệnh đặt mua ở mức giá này chỉ xếp hàng ưu tiên sau lệnh đặt mua ở mức “Giá 2”.

 

6. “Dư bán”: Là hệ thống cột hiển thị ba mức giá chào bán tốt nhất (giá chào bán thấp nhất) và khối lượng tương ứng với các mức giá đó. Ý nghĩa cụ thể từng cột như sau:

Cột “Giá 1”“KL 1”: Biểu thị mức giá chào bán thấp nhất hiện thời và khối lượng chào bán tương ứng với mức giá đó. Những lệnh chào bán ở mức “Giá 1” luôn được ưu tiên thực hiện trước so với những lệnh chào bán khác.

Cột “Giá 2”“KL 2”: Biểu thị các lệnh chào bán ở mức “Giá 2”“KL 2”. Các lệnh chào bán ở mức “Giá 2” có độ ưu tiên chỉ sau lệnh chào bán ở mức “Giá 1”.

Tương tự như vậy, cột “Giá 3”“KL 3” là cột mà các lệnh chào bán ở mức giá này chỉ xếp hàng ưu tiên sau lệnh chào bán ở mức “Giá 2”.

Lưu ý:

- Hệ thống cột “Dư mua”/ “Dư bán” chỉ hiện thị ba mức giá mua/giá bán tốt nhất. Ngoài ba mức giá mua/giá bán trên, thị trường còn có các mức giá mua/giá bán khác nhưng không tốt bằng ba mức giá thể hiện trên màn hình.

- Khi có lệnh ATO hoặc ATC thì các lệnh này sẽ hiển thị ở vị trí của cột “Giá 1” và “KL 1” của bên “Dư mua” hoặc “Dư bán”.

- Trong đợt giao dịch khớp lệnh liên tục (đợt 2), cột “Dư mua”/“Dư bán” biểu thị những lệnh đang chờ khớp. Kết thúc ngày giao dịch, các cột “Dư mua”/“Dư bán” biểu thị những lệnh không được thực hiện trong ngày giao dịch.

 

7. “Khớp lệnh”: Là hệ thống cột bao gồm các cột “Giá khớp”, “KLTH”“+/-”. Trong thời gian giao dịch, ý nghĩa của các cột này như sau:

7.1 Trong đợt khớp lệnh định kì (Đợt 1 và Đợt 3):

- “KLTH” (Khối lượng thực hiện): Là khối lượng cổ phiếu dự kiến sẽ được khớp trong đợt giao dịch đó.

- “+/-” (Tăng/giảm giá): Là mức thay đổi giá dự kiến so với giá tham chiếu.

 

7.2 Trong đợt khớp lệnh liên tục (Đợt 2):

- Giá khớp”: Là giá thực hiện của giao dịch gần nhất.

- “KLTH” (Khối lượng thực hiện): Là khối lượng cổ phiếu được thực hiện của giao dịch gần nhất.

- “+/-” (Tăng/giảm giá): Là mức thay đổi của mức giá thực hiện mới nhất so với giá thực hiện của giao dịch liền trước đó.

 

7.3 Sau khi kết thúc ngày giao dịch, các cột trên có ý nghĩa như sau:

- “Giá khớp”: Là giá khớp lệnh của đợt giao dịch xác định giá đóng cửa.

- “KLTH” (Khối lượng thực hiện): Là khối lượng cổ phiếu đã được thực hiện trong toàn bộ ngày giao dịch.

-  “+/-” (Tăng/giảm giá): Là mức thay đổi của giá khớp lệnh đợt 3 so với giá tham chiếu.

Lưu ý:

Trên bảng giá trực tuyến, tất cả các cột thể hiện khối lượng sẽ là số lượng tính theo lô (1 lô = 10 cổ phiếu). 

“TKL đã khớp”: Là tổng khối lượng đã khớp tính đến thời điểm hiện tại.

“KL NN mua”: Là tổng khối lượng mà nhà đầu tư nước ngoài mua.

“KL NN bán”: Là tổng khối lượng mà nhà đầu tư nước ngoài bán.

8. NN mua/ NN bán:

NN Mua/NN bán là gì: Theo định nghĩa trong thị trường chứng khoán, NN Mua/NN bán được hiểu là khối lượng giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài đối với mã CK  nào đó. 

Thị trường thường quy ước đơn vị tính như sau:

  • Đối với khối lượng sẽ quy ước:  đơn vị 10 cổ phiếu/CCQ.
  • Đối với giá sẽ quy ước: đơn vị 1000 đồng.

III. Chỉ báo về màu sắc

Một số quy định về màu sắc sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng nhận biết về những thay đổi đang diễn ra trên thị trường. Cụ thể như sau:

- Màu xanh lá cây: Giá tăng.

- Màu tím: Giá tăng kịch trần.

- Màu vàng: Đứng giá.

- Màu đỏ: Giá giảm.

- Màu xanh nước biển: Giá giảm kịch sàn.

 

IV. Một số ghi chú khác

 

V. Cách đặt lệnh hiệu quả

1. Trong đợt khớp lệnh định kỳ (Đợt 1 và đợt 3)

- Nếu là người bán: Tham khảo cột khớp lệnh, cột này cung cấp các thông tin về giá dự kiến. Để lệnh có thể được khớp, nhà đầu tư nên đặt mức giá bán thấp hơn so với giá dự kiến.

- Nếu là người mua: Tương tự, dựa vào giá dự kiến khớp trên cột khớp lệnh, nhà đầu tư nên đặt mua với giá cao hơn giá dự kiến.

Lưu ý:

Trong đợt khớp lệnh định kỳ, nhà đầu tư chỉ nên đặt lệnh ATO (ATC) khi sẵn sàng mua ở mức giá trần (nếu là người mua) hoặc sẵn sàng bán ở mức giá sàn (nếu là người bán) vì khi đặt lệnh ATO (ATC) có nghĩa là nhà đầu tư sẵn sàng mua/bán ở mọi mức giá.

 

2. Trong đợt khớp lệnh liên tục (Đợt 2)

- Nếu là người bán: Tham khảo cột “Giá 1” và “KL 1” của bên mua, đây là mức giá tốt nhất có thể bán tính tới thời điểm hiện tại. Khi lệnh đặt với mức “Giá 1” có thể sẽ được thực hiện ngay.

- Nếu là người mua: Tham khảo cột “Giá 1” và “KL 1” của bên bán, đây là mức giá tốt nhất có thể mua tính tới thời điểm hiện tại. Nếu khối lượng đặt bán tại “Giá 1” nhỏ hơn nhu cầu đặt mua của nhà đầu tư thì có thể đặt lệnh mua ở mức “Giá 2” hay các mức giá cao hơn. Trong trường hợp này, lệnh mua của bạn vẫn đảm bảo được thực hiện toàn bộ tại mức “Giá 1” rồi mới đến các mức giá khác cao hơn.

Lưu ý:

Trong nhiều trường hợp sẽ có độ trễ giữa bảng điện tử so với bảng số liệu tại Sở GDCK Hồ Chí Minh, do đó, giá khớp lệnh có thể thay đổi khiến giao dịch có thể chưa được thực hiện ngay mà phải chờ để có lệnh đối ứng.

 

Đọc thêm:

Phân biệt giá trần, giá sàn và giá tham chiếu

Khớp lệnh được thực hiện như thế nào?

Mở tài khoản chứng khoán