So sánh phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật

Chia sẻ trên:    28191

Để đạt kết quả đầu tư vượt trội, nhà đầu tư cá nhân cần có những phương pháp tiếp cận, phân tích và đưa ra các quyết định đầu tư khác nhau đối với từng mã chứng khoán hoặc đối với cả danh mục đầu tư. Bài viết dưới đây sẽ đề cập tới hai phương pháp phân tích chứng khoán đã được sử dụng phổ biến tại hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới, đó là phân tích cơ bảnphân tích kỹ thuật.

 

 

Phân tích cơ bản

Trường phái phân tích cơ bản là phương pháp phân tích cổ phiếu dựa vào các nhân tố mang tính chất nền tảng có tác động hoặc dẫn tới sự thay đổi giá cả của cổ phiếu nhằm chỉ ra giá trị nội tại của cổ phiếu trên thị trường. Nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản mua cổ phiếu khi thị trường thấp hơn giá trị nội tại của doanh nghiệp (cổ phiếu định giá rẻ) và bán cổ phiếu khi giá thị trường cao hơn giá trị nội tại của doanh nghiệp (cổ phiếu định giá đắt). Về bản chất, phân tích cơ bản sử dụng các báo cáo tài chính của doanh nghiệp, phân tích vĩ mô, phân tích ngành mà công ty đang hoạt động, phân tích về mô hình hoạt động và hiệu quả quản lý của doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư. Hoạt động phân tích cơ bản giúp nhà đầu tư đánh giá một mã chứng khoán dưới giá trị hay trên giá trị hiện hành và kỳ vọng trong tương lai giá cổ phiếu sẽ hội tụ với giá trị nội tại của cổ phiếu. Nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản nghiên cứu và tìm hiểu sâu về doanh nghiệp, từ đó có thể nắm rõ các yếu tố nền tảng, tác động đến triển vọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ kiến thức và kỹ năng để phân tích doanh nghiệp một cách bài bản theo phân tích cơ bản.

>> Xem chi tiết: Giới thiệu về phân tích cơ bản chứng khoán

 

Phân tích kỹ thuật

Trường phái phân tích kỹ thuật là phương pháp dựa vào biểu đồ, đồ thị diễn biến giá cả và khối lượng giao dịch của cổ phiếu nhằm phân tích các biến động cung cầu đối với cổ phiếu. Phân tích kỹ thuật giả định giá dịch chuyển theo xu hướng. Về bản chất, phân tích kỹ thuật cho rằng các mẫu hình trong quá khứ có xu hướng lặp lại và có thể dùng để dự báo diễn biến giá tương lai từ đó định hướng cho nhà đầu tư thời điểm nên mua vào, bán ra hay giữ nguyên cổ phiếu trên thị trường. Ưu điểm của phương pháp này đó là dự báo được xu hướng thay đổi trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn dựa trên những dữ liệu có sẵn của ngành hay doanh nghiệp. Phân tích kỹ thuật cho kết quả nhanh, không cần sử dụng đến nhiều kiến thức nền tảng về tài chính để có thể bắt đầu và thích hợp với nhà đầu tư lướt sóng. Tuy nhiên, một điều dễ thấy là phân tích kỹ thuật dễ học nhưng không dễ áp dụng, đặc biệt là với người mới tham gia thị trường do các yếu tố tâm lý không ngừng tác động lên các quyết định giao dịch. 

>> Xem chi tiết: Giới thiệu về phân tích kỹ thuật chứng khoán

 

Tóm lại, cả hai phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng vì vậy không thể xác định được phương pháp nào tốt hơn. Việc lựa chọn sẽ phụ thuộc vào khả năng trình độ, thời gian và mục tiêu của nhà đầu tư. Việc kết hợp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật sẽ hình thành một chiến lược đầu tư với góc nhìn đa chiều hơn. Nếu phân tích cơ bản là nền tảng nhà đầu tư phải có khi mua / bán bất cứ loại cổ phiếu nào thì phân tích kỹ thuật giúp nhà đầu tư xác định thời điểm mua vào và bán ra tốt nhất. Việc kết hợp cả hai phương pháp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật có thể đem lại những kết quả tốt nhất mặc dù đòi hỏi thời gian, sự am hiểu và trình độ phân tích của nhà đầu tư. Thông thường các nhà đầu tư dài hạn hay sử dụng phương pháp phân tích cơ bản còn các nhà đầu tư ngắn hạn lại thiên về sử dụng phân tích kỹ thuật nhiều hơn.