Phân tích kỹ thuật phát hiện sớm đảo chiều xu hướng

Chia sẻ trên:    33938

Việc phát hiện sớm giá đảo chiều xu hướng là một trong những tín hiệu được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Liệu chỉ số hay cổ phiếu sắp kết thúc xu hướng tăng/giảm hay chưa? Diễn biến giá hiện tại có tiềm ẩn rủi ro đảo chiều hay không? Để trả lời cho những câu hỏi đó thì chúng ta cùng nhau tìm hiểu một số công cụ và dấu hiệu kỹ thuật cảnh báo rủi ro đảo chiều của giá.

Có 3 công cụ phổ biến và được sử dụng khá hiệu quả đó là: (1) Đường kênh giá; (2) Tín hiệu phân kỳ của các chỉ báo kỹ thuật; (3) Hành động giá tại các điểm kháng cự/hỗ trợ (Price Action).

 

1. Đường kênh giá

Đây là tập hợp 2 đường thẳng song song với nhau theo chiều xu hướng của giá. Kênh xu hướng được vẻ bằng cách nối giữa các đỉnh thành một đường thẳng và nối các đáy thành một đường thẳng, từ đó ta được 2 đường thẳng song song nhau.

Dấu hiệu để chúng ta nhận biết sớm xu hướng đảo chiều tiềm năng có thể xảy ra là khi giá nhúng xuống đường cận dưới của kênh xu hướng trong down-trend và giá bật qua đường cận dưới của xu hướng trong up-trend.

 

Đường kênh giá

 

Ví dụ: Như hình trên, chúng ta có thể thấy giá hình thành kênh giảm rất rõ rệt. Sau đó, giá có nhịp nhúng xuống đường cận dưới của kênh giá, đây được xem là nhịp rủ bỏ để mở đầu cho nhịp đảo chiều của chỉ số. Dấu hiệu này cũng báo hiệu cho chúng ta biết giá đang vào vùng quá bán (OverSold) và ít nhất sẽ có nhịp đảo chiều, nếu tích cực hơn thì sẽ hình thành nhịp tăng mới.

 

2. Tín hiệu phân kỳ của các chỉ báo kỹ thuật

Tín hiệu phân kỳ của các chỉ báo kỹ thuật là cách chúng ta đi so sánh tương quan diễn biến giá so với diễn biến của các chỉ báo kỹ thuật. Các chỉ báo như RSI, MACD được sử dụng khá phổ biến.

RSI là chỉ báo đo lường sức mạnh giá. Còn MACD là chỉ báo đo lường xu hướng của chỉ số.

Có 2 dạng phân kỳ: phân kỳ dương và phân kỳ âm. Trong đó, phân kỳ dương có tín hiệu đảo chiều tăng. Còn phân kỳ âm cho tín hiệu đảo chiều giảm.

 

Tín hiệu phân kỳ của các chỉ báo kỹ thuật

 

Áp dụng vào chỉ số VN30-Index chúng ta có thể thấy được tín hiệu phân kỳ rất rõ rệt giữa giá và các chỉ báo. Cả chỉ báo RSI và MACD đều cho tín hiệu phân kỳ âm với giá, tức là trong khi giá hình thành xu hướng tăng thì RSI và MACD hình thành xu hướng giảm. Khi có tín hiệu này xuất hiện trên các chỉ báo thì đó là lúc chúng ta phải thận trọng với diễn biến của thị trường. Sau đó, đúng theo tín hiệu của chỉ báo thì chỉ số đã hình thành xu hướng giảm mạnh.

>> Xem thêm: Có nên tiếp tục theo xu hướng khi xuất hiện tín hiệu phân kỳ

 

3. Hành động giá

Đây là kiểu phân tích khá hay trong phân tích kỹ thuật nhưng chưa được sử dụng rộng rãi ở giới đầu tư. Đây là cách phân tích dựa vào sự vận động của những nhịp giá tăng/giảm, biểu hiện hành vi của cung cầu thông qua những mẫu hình nến hoặc mẫu hình giá.

 

Hành động giá

 

Trước khi xuất hiện nhịp giảm mạnh thì VN30-Index xuất hiện nhịp tăng rất dài. Tuy nhiên, trong quá trình tăng chúng ta cũng có thể nhận thấy một vài biểu hiện báo hiệu đảo chiều xu hướng.

Thứ nhất, xét về mặt xu hướng, nhịp tăng sau yếu hơn nhịp tăng trước hay nhịp tăng càng yếu dần, tức khoảng cách giữa những đà tăng suy yếu thể hiện quán tính tăng của giá đang chậm dần. Lý do cho quán tính giảm là việc bên cung đang có dấu hiệu bán ra khiến giá mặc dù vậy đi lên nhưng rất hạn chế.

Thứ hai, mức độ biến động giá thu hẹp dần qua mỗi nhịp tăng mới. Được biểu hiện qua việc khoảng cách giữa giá cao nhất và giá thấp nhất (độ rộng của thân nến giá) bị thu hẹp. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy dòng tiền lớn đang thể hiện sự phân phối.

Từ hai đặc điểm trên chúng ta sẽ nhận biết trước được dấu hiệu rủi ro của chỉ số và có chiến lược thận trọng hơn ở những giai đoạn như vậy!

>> Xem thêm:

Bí quyết xác đỉnh/ đáy - Phân tích các vùng giá đảo chiều để hành động

Trend following