Sơ lược về đầu tư giá trị

Chia sẻ trên:    9435

Đầu tư giá trị là gì?

Đầu tư giá trị là việc lựa chọn những cổ phiếu có giá thị trường thấp hơn giá trị (theo các phương pháp định giá khác nhau). Về học thuật, có 3 phương pháp định giá cơ bản là phương pháp chiết khấu dòng cổ tức (DDM), phương pháp chiết khấu dòng tiền (FCFF và FCFE), và phương pháp so sánh. Tuy nhiên, do việc định giá theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức và chiết khấu dòng tiền khá phức tạp, tốn nhiều thời gian, đòi hỏi tìm hiểu rất kỹ về doanh nghiệp, đưa ra các giả định hợp lý về doanh nghiệp lẫn lãi suất chiết khấu, ngoài ra, trong nhiều trường hợp tại thị trường Việt Nam, việc tìm hiểu sâu về doanh nghiệp là bất khả thi do mức độ chia sẻ thông tin của doanh nghiệp là hạn chế nên trong bài viết này sẽ chỉ tập trung vào phương pháp so sánh.

Sơ lược về đầu tư giá trị

 

Phương pháp so sánh

Phương pháp so sánh là việc so sánh các chỉ số định giá (PE, PB, EV/EBITDA) của giữa các cổ phiếu với nhau hoặc giữa cổ phiếu với trung bình ngành hoặc thị trường. Theo đó, cổ phiếu được gọi rẻ hơn cổ phiếu khác nếu chỉ số định giá của cổ phiếu (PE PB EV/EBIDA) thấp hơn so với cổ phiếu khác, so với trung bình ngành hoặc so với thị trường. Tuy nhiên, một số yếu tố cần phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi so sánh:

♦ Phân loại vốn hóa (small cap, mid cap, và big cap) do các cổ phiếu lớn thường được thị trường định giá ở mức giá cao hơn cổ phiếu nhỏ. Khi nhà đầu tư muốn so sánh cổ phiếu lớn và cổ phiếu nhỏ cùng trong 1 ngành thì cần áp dụng mức chiết khấu hợp lý cho chỉ số định giá của cổ phiếu lớn tùy từng ngành

♦ Mức độ rủi ro giữa các doanh nghiệp được so sánh: cổ phiếu càng nhiều rủi ro thì mức định giá hợp lý càng thấp. Rủi ro có thể gồm nhiều loại như rủi ro tài chính (thanh khoản, lãi suất, tỷ giá), rủi ro thị trường… Về rủi ro tài chính, doanh nghiệp càng vay nợ nhiều càng gặp nhiều rủi ro về thanh khoản và lãi suất; doanh nghiệp có nợ vay ngoại tệ cũng gặp rủi ro tỷ giá. Rủi ro thị trường khác nhau do các doanh nghiệp có thể hoạt động ở những địa bàn khác nhau: miền Bắc, miền Nam, hay xuất khẩu…

♦ Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp: một số doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn các doanh nghiệp cùng ngành như sở hữu mỏ quặng sắt giúp ổn định nguyên liệu đầu vào và giảm chi phí sản xuất (HPG), có thương hiệu mạnh (VNM), có hệ thống phân phối rộng khắp (DHG)…

♦ Tiềm năng tăng trưởng LN của DN do các DN được kỳ vọng tăng trưởng cao trong tương lai sẽ được định giá hiện tại ở mức cao hơn.

 

Tóm lại, đầu tư giá trị đơn giản là việc lựa chọn các cổ phiếu có chỉ số định giá thấp như PE, PB, EV/EBITDA. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét thấu đáo các lý do vì sao cổ phiếu đó đang có mức định giá thấp, thực sự cổ phiếu đó đang rẻ hay do các yếu tố cơ bản không tốt khiến cổ phiếu đó xứng đáng được định giá hợp lý ở mức thấp.

>> Xem thêm: Sơ lược về đầu tư tăng trưởng