Ứng dụng ngưỡng hỗ trợ, kháng cự kết hợp với khối lượng đột biến để giao dịch hiệu quả

Chia sẻ trên:    4435

Ngưỡng hỗ trợ được coi như một vùng giá mà ở đó giá khó có thể giảm hơn nữa vì tại đó rất nhiều nhà đầu tư đang canh mua. Ngược lại, kháng cự là mức giá, nơi có rất nhiều nhà đầu tư cho rằng giá không thể vượt khỏi mức cản này và đương nhiên họ là những người đang canh bán để chốt lời tại vùng giá này. Thông thường giá sẽ vận động trong biên độ tạo bởi các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự cho tới khi bứt phá và tạo ra xu hướng vận động mới.

>> Xem chi tiết: Hỗ trợ, kháng cự là gì và ứng dụng trong giao dịch cổ phiếu

Trong khuôn khổ bài viết này một phương pháp giao dịch hiệu quả sẽ được giới thiệu thông qua quan sát điểm bứt phá hoặc sập gãy của các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ để đưa ra các điểm mua và bán tối ưu nhất. Với mục tiêu tăng xác suất chính xác và tránh các bẫy giá thì yếu tố khối lượng giao dịch được kết hợp sử dụng như một yếu tố quyết định cho hành động mua và bán.

Kết hợp đồ thị giá với khối lượng giao dịch

Phương pháp sử dụng

Xác định các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự

Có rất nhiều các phương pháp và công cụ được sử dụng để xác định các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự. Có thể kể đến những công cụ phổ biến như các hệ thống đỉnh - đáy trong quá khứ, đường xu hướng, mẫu hình giá, các điểm đảo chiều, công cụ Fibonacci

 

Xác nhận đột biến với khối lượng giao dịch

Có 02 yếu tố quan trọng

  • Độ lớn của khối lượng giao dịch thể hiện số lượng cổ phiếu được giao dịch khi mức hỗ trợ & kháng cự bị phá vỡ.
  • Tín hiệu xác nhận đáy hoặc đỉnh thể hiện số lần giá kiểm nghiệm thành công các ngưỡng hỗ trợ hoặc thất bại tại ngưỡng kháng cự.

Các yếu tố trên sẽ giúp nhà đầu tư xác định được các điểm đột biến về xu hướng một cách hiệu quả nhờ sự xác nhận của khối lượng giao dịch từ đó đưa ra các hành động Mua và Bán tối ưu.

Trường hợp cổ phiếu NT2 là một ví dụ cụ thể cho sự kết hợp giữa tín hiệu bứt phá “breakout” khỏi vùng kháng cự mạnh cùng với sự xác nhận của khối lượng giao dịch tại mức kháng cự số (3). NT2 đã có 02 lần trước đó thất bại và hình thành nên vùng kháng cự trong suốt năm 2018. Như vậy với lần bứt phá thành công có yếu tố thanh khoản bùng nổ đã tạo ra điểm mua vào tích cực cho NT2.

 

cổ phiếu NT2

 

Cổ phiếu HSG là một ví dụ điển hình cho giao dịch giá xuống “break down” khi vùng hỗ trợ mạnh bị xuyên thủng và có sự ủng hộ của thanh khoản theo chiều bán xuống. Các vùng hỗ trợ (1) và (2) đã nâng đỡ cho xu hướng giá của HSG nhưng đều thất bại ngay sau đó khi khối lượng giao dịch tăng đột biến cùng thời điểm các ngưỡng hỗ trợ này bị bẻ gãy. Theo đó, nhà đầu tư có thể dựa vào các tín hiệu xác nhận này để tự tin hơn trong các quyết định thoái lui khi các ngưỡng hỗ trợ mạnh mất khả năng hỗ trợ xu hướng giá.

 

cổ phiếu HSG

 

>> Xem thêm: Linh hoạt trong sử dụng hỗ trợ và kháng cự

 

Nguyễn Văn Quý - Bộ phận chiến lược thị trường

Công ty cổ phần chứng khoán TP. Hồ Chí Minh HSC