Sơ lược về trường phái đầu tư cơ bản

Chia sẻ trên:    18988

Phân tích cơ bản là gì?

Phân tích cơ bản là trường phái đầu tư rộng nhất trong việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư. Với phương pháp này, nhà đầu tư tập trung vào việc định giá công ty hay cổ phiếu thông qua định lượng (quantitative analysis)định tính (qualitative analysis).

 

Sơ lược về trường phái đầu tư cơ bản

 

Định giá công ty hay cổ phiếu thông qua định lượng (quantitative analysis)

► Với định lượng, nhà đầu tư tập trung phân tích dữ liệu giá cổ phiếu công ty trong quá khứ hay từ các báo cáo tài chính của công ty như bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Qua đó, sẽ xây dựng lên các mô hình định lượng để xác định kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu trong tương lai. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp với một số ít ngành, công ty có kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu tăng/giảm ổn định qua các năm như ngành tiêu dùng thiết yếu, ngành dược phẩm, hay ngành tiện ích.

 

Định giá công ty hay cổ phiếu thông qua định tính (qualitative analysis)

► Với định tính, thay vì nghiên cứu số liệu, chúng ta sẽ phân tích các yếu tố có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của công ty, bao gồm:

• Phân tích vĩ mô: các chính sách của chính phủ, GDP, xu hướng lãi suất, xu hướng lạm phát, tỷ giá hối đoái..., nhà đầu tư có thể xác định chu kỳ kinh tế ở thời điểm hiện tại và ngành nghề/công ty nên tập trung để đầu tư.

Ví dụ: Trong giai đoạn hồi phục của chu kỳ kinh tế, các ngành tài chính, tiêu dùng không thiết yếu, sản xuất thường có mức sinh lợi tốt hơn các ngành phòng thủ như dược phẩm, tiện ích, tiêu dùng thiết yếu.

• Phân tích ngành: tình hình cung/cầu sản phẩm trong ngành, Porter’s Five Forces (tiềm năng gia nhập ngành, sức mạnh của người mua hàng, sức mạnh của nhà cung cấp, sản phẩm thay thế, và đối thủ cạnh tranh), chuỗi cung ứng của ngành để xác định mức độ hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng của ngành trong tương lai.

• Phân tích doanh nghiệp: xác định chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, NVL DN phải nhập khẩu hay có thể mua trong nước, giá trị gia tăng mà doanh nghiệp có được trong chuỗi cung ứng, công suất nhà máy hiện tại và tỷ lệ sản xuất/công suất, xác định điểm hòa vốn của doanh nghiệp, đầu tư tài sản cố định trong tương lai (CAPEX) và xác định tiềm năng của hoạt động đầu tư mở rộng này, tỷ lệ cổ tức… Ngoài ra, cũng cần đánh giá chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp với các chỉ số như EPS, ROA, ROE, leverage…; trong đó, có 3 yếu tố quan trọng nhất cần xem xét là:

1. Dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh có dương, ổn định và tăng trưởng cùng với lợi nhuận;

2. Mức độ sử dụng nợ vay của doanh nghiệp, trong đó có tỷ lệ nợ bằng đồng ngoại tệ như USD EUR nhằm xác định các rủi ro thanh khoản, lãi suất, và tỷ giá của doanh nghiệp;

3. Tỷ lệ thanh toán hiện thời để đánh giá rủi ro thanh khoản.

 

>> Có thể nhà đầu tư quan tâm:

Giới thiệu về phân tích kỹ thuật trong đầu tư

So sánh phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật

Sơ lược về đầu tư tăng trưởng