Cách xác định vùng đỉnh và đáy theo phân tích kỹ thuật

Chia sẻ trên:    74810

Xác định đỉnh và đáy là một kỹ năng quan trọng trong đầu tư chứng khoán để tối đa hóa lợi nhuận. Cùng HSC Online tìm hiểu cách xác định đỉnh và đáy, các dấu hiệu của cổ phiếu khi đi vào vùng đỉnh và vùng đáy.

1. Tín hiệu tạo đỉnh

a. Động lượng tăng trưởng giảm dần

Trong một xu hướng tăng khi chỉ số tiếp tục bứt phá qua khỏi đỉnh cũ để chinh phục đỉnh cao mới thì đòi hỏi yếu tố động lượng cũng phải tăng tương ứng như mức tăng của giá. Trong trường hợp giá vượt qua đỉnh cũ nhưng các chỉ báo động lượng thấp hơn đỉnh cũ thì đó là dấu hiệu báo hiệu rủi ro đảo chiều của chỉ số.

Các chỉ báo động lượng thường được sử dụng là MACD, RSI…

 

động lượng tăng trưởng giảm dần

Tín hiệu tạo đỉnh dựa vào MACD

b. Khối lượng giao dịch tăng mạnh nhưng mức tăng của chỉ số không tăng tương ứng

Trong xu hướng tăng mạnh với liên tiếp những chuỗi tăng thì ở một thời điểm nào đó đột nhiên xuất hiện khối lượng giao dịch tăng mạnh nhưng mức tăng của chỉ số thấp hoặc tiêu cực hơn nếu xuất hiện nhịp đảo chiều ngay trong phiên. Đặc điểm này cho thấy cổ phiếu đó có thể đang bị chốt lời mạnh và động lực tăng sau đó sẽ suy yếu dần.

 

c. Giá nỗ lực hồi phục sau nhịp điều chỉnh nhưng không chinh phục được đỉnh cao mới

Sau nhịp điều chỉnh trong một kênh xu hướng tăng, giá hồi phục trở lại như những lần điều chỉnh trước đó nhưng đảo chiều khi tiệm cận vùng đỉnh cũ đây là dấu hiệu cho thấy sức mạnh xu hướng đã suy yếu. Các mẫu hình mà chúng ta thường dễ nhận thấy đó là mẫu hình 2 đỉnh hoặc 3 đỉnh.

 

Giá nổ lực hồi phục sau nhịp điều chỉnh nhưng không chinh phục được đỉnh cao mới

 

d. Xuất hiện khoảng trống giá kiệt sức sau đà tăng mạnh trước đó

Sau khoảng thời gian tăng trưởng nóng, bạn nhận ra mức thanh khoản của thị trường trong vài ngày gần đây đang ở mức cao. Sau đó, chỉ số xuất hiện một phiên bùng nổ với khối lượng giao dịch tăng mạnh ngay từ đầu phiên giao dịch để hình thành khoảng trống giá so với phiên trước. Thông thường dấu hiệu này xuất hiện khi giá đang vận động trong vùng tích lũy thì đây là tín hiệu khả quan, giá có thể bắt đầu cho nhịp tăng mới. Tuy nhiên, trong trường giá đã thể hiện đà tăng mạnh trước đó thì đây được xem là tín hiệu phân phối trong thời điểm nhà đầu tư cảm thấy hưng phấn nhất.

 

xuất hiện khoảng trống giá kiệt sức sau đà tăng mạnh trước đó

 

2. Tín hiệu tạo đáy

a. Động lượng giảm thu hẹp

Trong một xu hướng giảm giá, chỉ số tiếp tục phá đáy thấp gần nhất nhưng các chỉ báo động lượng cao hơn mức thấp nhất gần nhất. Biểu hiện này cho thấy mặc dù giá tiếp tục xu hướng giảm nhưng quán tính giảm bị thu hẹp lại đáng kể. Khi chỉ báo tạo đáy sau cao hơn đáy trước thì đó là tín hiệu cho thấy thị trường sắp vào vùng đáy.

 

động lượng giảm thu hẹp

 

b. Xuất hiện nhịp đảo chiều ngay trong phiên với khối lượng giao dịch lớn

Sau nhịp giảm dài với lực bán càng ngày càng mạnh mẽ và chưa có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng giảm sẽ kết thúc xu hướng giảm. Tuy nhiên, trong một phiên nào đó thì đột nhiên giá xuất hiện nhịp đảo chiều ngay trong phiên đảo chiều mạnh với khối lượng giao dịch tham gia bắt đáy mạnh. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chỉ số chuẩn bị bước vào vùng tạo đáy đảo chiều khi có sự tham gia rất tích cực của dòng tiền.

xác định nhịp đảo chiều ngay trong phiên với khối lương giao dịch lớn

 

c. Giá hình thành mẫu hình kiểm chứng đáy thành công

Đây là tín hiệu phổ biến nhất khi giá quay đầu trở lại để kiểm chứng mức đáy cũ và đảo chiều hồi phục trở lại khi chạm đáy cũ. Giá có thể kiểm chứng 2 lần hoặc 3 lần, đây được gọi là mẫu hình 2 đáy hoặc 3 đáy. Biểu hình của mẫu hình này cho thấy đà giảm của chỉ số đã chững lại và bắt đầu phản ứng tích cực hơn khi chạm các ngưỡng hỗ trợ.

 

Giá hình thành mẫu hình kiểm chứng đáy thành công

 

d. Xuất hiện phiên bật tăng mạnh vượt qua khỏi khu vực tích lũy

Sau khi tạo đáy và hình thành mặt bằng giá tích lũy. Chỉ số bật tăng mạnh ngay từ thời điểm đầu phiên giao dịch với dòng tiền mua gom quyết liệt. Cũng có một số trường hợp khi giá bật tăng mạnh thì sẽ quay trở lại kiểm chứng ngưỡng kháng cự này (bây giờ được xem là ngưỡng hỗ trợ). Nếu chỉ số kiểm chứng thành công ngưỡng hỗ trợ này thì có thế xác nhận cho một xu thế tăng mới và chỉ số đã tạo đáy thành công.

 

Xuất hiện phiên bật tăng mạnh vượt qua khỏi khu vực tích lũy

 

Có thể bạn quan tâm:

Nhận biết phân phối đỉnh nhờ vào đột biến khối lượng

Bí quyết xác định đỉnh/ đáy - Phân tích các vùng giá đảo chiều để hành động

Phân tích kỹ thuật phát hiện sớm đảo chiều xu hướng

Khóa học phân tích kỹ thuật phù hợp với nhà đầu tư nào?