Dòng tiền Luân chuyển - 16.02.2024

Dòng tiền Luân chuyển - 16.02.2024

Ngày: 16/02/2024

dòng tiền luân chuyển

Thực hiện: Quý Nguyễn - Bộ phận: Chiến lược thị trường PCD Research

SỰ LAN TỎA GIÚP DÒNG TIỀN CÓ CƠ HỘI XOAY VÒNG

Vnindex kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm Giáp Thìn trong trạng thái tích cực. Mặc dù chỉ có 02 phiên giao dịch nhưng Vnindex thể hiện được đà tăng khá vững vàng khi bứt phá khỏi kháng cự tâm lý ngắn hạn tại 1200 điểm. Lượng thanh khoản tăng đều và đồng thuận với chiều hồi phục giúp thị trường chưa chịu nhiều áp lực từ bên bán. Động lực của nhịp tăng bắt nguồn từ nhóm Ngân hàng và nhóm vốn hóa lớn vẫn được duy trì và nhờ sự luân phiên vai trò dẫn dắt một cách nhịp nhàng trong nhóm đã tạo nền tảng tốt cho chỉ số mỗi lần xuất hiện các nhịp điều chỉnh. Dưới góc nhìn kỹ thuật, các nhịp điều chỉnh trong hơn 01 tháng qua hầu như đều là các nhịp nghỉ nhẹ và lành mạnh, tạo ra các điểm vào cho các vị thế mua mới. Vòng lặp này được duy trì một cách đều đặn và có sự hiện diện của các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như Ngân hàng, Thực phẩm trong các nhịp kéo tăng và luân chuyển sang các nhóm vốn hóa vừa & nhỏ trong các nhịp điều chỉnh đi ngang để giữ nhịp thị trường. Theo đó, dòng tiền luôn được tạo các cơ hội để duy trì hoạt động đầu tư trong bất kể trạng thái  nào của thị trường miễn sao xu thế tăng ngắn hạn không bị vi phạm. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại 1200 điểm chưa được kiểm chứng do đó điểm mua mới nên ưu tiên các nhịp điều chỉnh để có điểm giải ngân tối ưu nhất. Trong kịch bản tích cực, dòng tiền có thể sẽ tiếp tục lan rộng sang các nhóm cổ phiếu chưa tăng và chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn để tìm kiếm cơ hội tham gia thị trường. Do đó các giao dịch mua mới cần nâng cao quản trị vị thế hơn nữa khi độ cao cũng như mức độ rủi ro của thị trường ngày một lớn hơn. Những yếu tố nền tảng về cơ bản của doanh nghiệp kết hợp với điểm mua có nền giá chặt chẽ và sự kiểm soát nghiêm tỷ lệ đòn bảy margin cùng ngưỡng cắt lỗ là những hành động sẽ được ưu tiên khi tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại.

    Chú ý: Ngân hàng (CTG, ACB, STB, LPB, HDB, TCB, TPB, MBB), BĐS (CEO, NLG, KDH, IDC, IJC, KBC, TIP), Thực phẩm (SBT, ANV, TAR, GIL, VHC, ANV, IDI), Điện nước xăng dầu (NT2, VSH, POW, GEG, QTP, KHP), Tài nguyên cơ bản (HPG, HSG, NKG, KSB), CNTT (FPT, CMG, ELC, VGI), Hàng cá nhân & Gia dụng (PET, TNG, VGT, TLG, MSH), Bảo hiểm (BVH, PVI, VNR, MIG), Y tế (TNH), Hàng dịch vụ CN (REE, GMD, HHV, PVP, PVT, PHP, VTO, HAH, VTP), Dầu khí (PVS, PVD, PLX, PVC, BSR, OIL), Chứng khoán (VCI, HCM, SSI, VND, MBS), XD&VLXD (VGC, VCG, VCS, PC1, HT1, BCC, LCG, C4G, PTB, SZC), Hóa chất (DGC, DPM, DPR, PHR, LTG, PLC), Bán lẻ (MWG, DGW, PET).

  • Phái sinh có chiến lược: Breakout. Biên lợi nhuận của vị thể short vẫn còn mỏng, nên ưu tiên Long nếu đạt tiêu chí của kịch bản.

    Kịch bản Long: Giá vượt kháng cự 1235. Điểm vào lệnh: 1235. Mục tiêu: 1245. Điểm cắt lỗ: < 1230
    Kịch bản Short: Giá thủng hỗ trợ 1220. Điểm vào lệnh: 1220. Mục tiêu: 1215. Điểm cắt lỗ: > 1223

  • Bên mua (Cầm tiền): Kiên nhẫn tận dụng nhịp chỉnh chờ giá về vùng hỗ trợ mạnh mới xem xét tích lũy dần. Đặc biệt chú ý các cổ phiếu đang thiết lập được nền giá với dư địa & reward/risk tốt. Tham chiếu đến diễn biến bán tại nhóm vốn hóa lớn để tính toán điểm xuất hiện và kết thúc đợt điều chỉnh.
  • Bên bán (Cầm cổ phiếu): Lọc các nhóm cổ phiếu quá yếu tận dụng các phiên hồi kỹ thuật để hạ bớt tỷ trọng. Những cổ phiếu có phản ứng tốt tại các ngưỡng hỗ trợ mạnh (MA20, đỉnh/đáy quá khứ), giá giảm nhưng với thanh khoản thấp thì nên giữ.

MỨC ĐỘ LAN TỎA CỦA DÒNG TIỀN THEO VỐN HÓA THỊ TRƯỜNG

- Dòng tiền trên thị trường chính thức vượt mức cảnh báo (>80%) tại nhóm vốn hóa lớn cho thấy sức nóng tại nhóm này. Đây là nhóm dẫn dắt chỉ số thị trường vì vậy việc tăng nóng ở nhóm này cần được chú ý như một cảnh báo đối với đà tăng của thị trường. Dù chưa có dấu hiệu tạo đỉnh nhưng vị thế mua mới ở thời điểm này đang phải chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn do đó cần chú ý điểm mua và hạn chế sử dụng đòn bảy tài chính. 

THỐNG KÊ XÁC SUẤT ĐẦU TƯ NGẮN HẠN

- Sức mua có sự cải thiện mạnh mẽ và chưa có dấu hiệu tạo đỉn. So với đỉnh cũ tạo vào thời điểm 04/01 vừa qua thì dư địa sức mua vẫn còn lớn và nếu tiếp tục duy trì được phân kỳ dương thì cơ hội đi lên của thị trường vẫn còn nhờ bên mua đang dần chiếm lại quyền kiểm soát xu thế vận động của thị trường.

 

XU HƯỚNG NGÀNH

Xu thế thị trường duy trì ở trạng thái tích cực tuy nhiên yếu tố bền vững cần được chú ý do trong vùng Tăng mạnh không có những nhóm có trọng số lớn dẫn dắt (Ngân hàng, BĐS) ngoại trừ tín hiệu từ nhóm Thực phẩm mới xuất hiện tại phiên cuối tuần. Chuyển biến này cần sự chú ý vì khi nhóm dẫn dắt yếu dần sẽ là điểm yếu khi chỉ số đối diện với các kháng cự mạnh và các lần xảy ra điều chỉnh hạ nhiệt. Hiện các nhóm đang được dòng tiền chú ý chủ yếu là Dịch vụ tài chính (Chứng khoán), Hóa chất, CNTT, Bán lẻ, Chứng chỉ quỹ...

TĂNG MẠNH Nắm giữ & Canh chốt lời

Nhóm cổ phiếu trong vùng Tăng mạnh thể hiện lợi thế hấp dẫn được dòng tiền ngắn hạn nhờ đó đà tăng giá được duy trì mạnh hơn so với thị trường chung. Thông thường các nhóm cổ phiếu trong vùng này sẽ có lợi thế dễ tăng giá cũng như giảm ít hơn khi thị trường chung điều chỉnh.

HỒI PHỤC Canh mua tích lũy

Vùng Hồi phục đại diện cho nhóm cổ phiếu vừa thoát ra khỏi nhịp giảm ngắn hạn và đang dần quay trở lại với các phiên hồi phục. Đây cũng có thể coi là nhóm tiềm năng nếu như có nền giá và dư địa dồi dào thì rất có thể trở thành nhóm thu hút mạnh được dòng tiền và tạo ra được đà tăng giá mạnh hơn trong giai đoạn kế tiếp. Đây sẽ là bài kiểm tra rất quan trọng đối với tất cả các ngành đang trong vùng Suy yếu.

SUY YẾU Canh bán cơ cấu

Các nhóm trong vùng Suy yếu nên chú ý các ngưỡng hỗ trợ mạnh để thanh lọc lại danh mục.

GIẢM MẠNH Quan sát khả năng tạo đáy

Các nhóm ngành trong vùng này có thể sẽ là những nhóm đang chịu các áp lực điều chỉnh và cần tìm vùng hỗ trợ mới trước khi có thể hồi phục và tăng giá trở lại. Do đó đây cũng là khu vực tiềm năng cho các nhân tố đầu tư ứng cử cho nhịp sóng mới tiếp theo.