Dòng tiền Luân chuyển - 08.07.2024

Dòng tiền Luân chuyển - 08.07.2024

Ngày: 08/07/2024

dòng tiền luân chuyển

Thực hiện: Quý Nguyễn - Bộ phận: Chiến lược thị trường PCD Research

XÂY & CỦNG CỐ NỀN GIÁ MỚI

Gần 20 nghỉn tỷ đồng là một mức khớp lệnh lý tưởng sau chuỗi phiên tăng trong nghi ngờ nhưng thanh khoản yếu của tuần trước. Mức thanh khoản này thể hiện mức độ tự tin và sự sôi động trở lại cuả các giao dịch ngắn hạn. Tuy nhiên chiếm tỷ trọng đáng kể trong khối lượng khớp hôm nay là qua kênh thỏa thuận cùng với lượng bán ròng tăng đột biến lên đến hơn 2200 tỷ đồng đã phần nào làm giảm đáng kể nỗ lực tăng của Vnindex hôm nay. Về tổng thể xu thế hồi phục ngắn hạn vẫn đang được giữ vững trong đó ngưỡng hỗ trợ 1270 điểm đang trở lại là vùng đệm ngắn hạn cho chỉ số trong bất kỳ các rung lắc có thể xảy ra sắp tới. Sự dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn đặc biệt là Ngân hàng có dấu hiệu suy yếu tuy nhiên sau chuỗi tăng liên tiếp trong tuần trước việc hiệu chỉnh giảm này là bình thường. Đáng chú ý là rung lắc hôm nay không khiến các cổ phiếu Ngân hàng gãy nền hỗ trợ kèm thanh khoản sụt giảm nhanh cho thấy áp lực điều chỉnh và khả năng sập gãy nhịp tăng của nhóm này chưa dễ xảy ra. BĐS có lẽ vẫn là nhóm yếu nhất thuộc rổ trọng số thị trường trong đó quá trình tìm đáy mới của các cổ phiếu trong ngành đang có dấu hiệu tiếp diễn và tạo ra áp lực đáng kể tới đà hồi phục hiện có của Vnindex. Kịch bản đi ngang và giữ nền mới đang tiếp tục được ghi nhận như một chuyển động phù hợp sau những bứt phá có phần thuận lợi của Vnindex trong tuần trước. Bối cảnh này có thể sẽ tạo sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu tuy nhiên đối với nhóm vốn hóa vừa và nhỏ thì trạng thái đi ngang của thị trường luôn là môi trường thuận lợi để luân chuyển vị thế giao dịch theo cách dòng tiền thông minh đang tìm kiếm cơ hội trong ngắn hạn. Chiến lược này tỏ ra hiểu quả trong hầu hết các nhịp tích lũy trước đây của thị trường và đặc biệt khi Vnindex chưa vượt khỏi kháng cự mạnh 1300 điểm. Các dòng cổ phiếu có liên quan và hưởng lợi trong lĩnh vực xuất khẩu (Cảng, Vận tải, Dệt may, Hóa chất) sẽ là nhóm được dòng tiền ngắn hạn ưu tiên, tiếp theo là các doanh nghiệp phục hồi dựa trên các yếu tố chu kỳ và đổi mới của nền kinh tế như Bán lẻ, CNTT, Bảo hiểm, Dầu khí, XD&VLXD…

  • Phái sinh có chiến lược: Breakout. Chú ý nên giao dịch với số lượng hợp đồng thấp do biên lợi nhuận hiện tại khá mỏng.

    Kịch bản Long: Giá vượt kháng cự 1315. Điểm vào lệnh: 1315. Mục tiêu: 1320. Điểm cắt lỗ: < 1313
    Kịch bản Short: Giá thủng hỗ trợ 1310. Điểm vào lệnh: 1310. Mục tiêu: 1305. Điểm cắt lỗ: > 1312

  • Bên mua (Cầm tiền): Kiên nhẫn tận dụng nhịp chỉnh chờ giá về vùng hỗ trợ mạnh mới xem xét tích lũy dần. Đặc biệt chú ý các cổ phiếu đang thiết lập được nền giá với dư địa & reward/risk tốt. Tham chiếu đến diễn biến bán tại nhóm vốn hóa lớn để tính toán điểm xuất hiện và kết thúc đợt điều chỉnh.
  • Bên bán (Cầm cổ phiếu): Lọc các nhóm cổ phiếu quá yếu tận dụng các phiên hồi kỹ thuật để hạ bớt tỷ trọng. Những cổ phiếu có phản ứng tốt tại các ngưỡng hỗ trợ mạnh (MA20, đỉnh/đáy quá khứ), giá giảm nhưng với thanh khoản thấp thì nên giữ.

MỨC ĐỘ LAN TỎA CỦA DÒNG TIỀN THEO VỐN HÓA THỊ TRƯỜNG

- Nhóm vốn hóa lớn có chút chững lại và giảm nhẹ trong phiên hôm nay sau khi luôn dẫn đầu đà tăng và tạo nên lực đẩy tăng cho chỉ số trong tuần trước. Tín hiệu dẫn dắt của nhóm vốn hóa lần cần được duy trì bền bỉ nhằm tạo sự tự tin và lôi kéo dòng tiền trở lại thị trường mạnh mẽ hơn. Đây cũng là nguồn góc kiến tạo nhiều hơn cơ hội cho các giao dịch ngắn hạn. Xác suất đầu tư cũng sẽ được cải thiện khi có sự hậu thuẫn của dòng tiền lớn nhập cuộc trở lại.

THỐNG KÊ XÁC SUẤT ĐẦU TƯ NGẮN HẠN

- Cung và cầu đồng thuận hồi phục đồng thời phân kỳ thu hẹp mạnh tuy nhiên trạng thái âm chưa thay đổi. Điểm yếu này cần sớm được khắc phục trong các phiên tới nhằm xác nhận vị thế mua ngắn hạn đã đủ mạnh để hấp thụ lực cung ngắn hạn từ đó tạo nền tảng cho một nhịp hồi phục bền vững.

 

XU HƯỚNG NGÀNH

Bức tranh dòng tiền vận động đã có sự thay đổi lớn sau 01 tuần hồi phục vừa qua. Điểm nhấn nằm ở số lượng nhóm ngành vào vùng Hồi phục gia tăng mạnh cho thấy sự cải thiện về sự lựa chọn mục tiêu cho các giao dịch ngắn hạn. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn đầu là Ngân hàng cũng có mặt trong vùng Hồi phục phần nào giúp cho độ tin cậy của nhịp hồi trở nên cao hơn. Nhóm CNTT và Bán lẻ thể hiện là nơi có độ sức bật mạnh nhất và được dòng tiền ưu tiên sớm nhất bất chấp cú rung lắc vừa qua. Như vậy, độ rộng thị trường đang có sự cải thiện rõ rệt nhưng sự xác nhận trên độ mạnh của thanh khoản vẫn là tín hiệu cần và cũng đang được mong chờ nhất trong tuần tới. Xác suất đầu tư cũng sẽ được cải thiện mạnh nếu như các yếu tố trên được xác nhận và hậu thuận cho một điểm bùng nổ theo đà mới cho thị trường. 

TĂNG MẠNH Nắm giữ & Canh chốt lời

Nhóm cổ phiếu trong vùng Tăng mạnh thể hiện lợi thế hấp dẫn được dòng tiền ngắn hạn nhờ đó đà tăng giá được duy trì mạnh hơn so với thị trường chung. Thông thường các nhóm cổ phiếu trong vùng này sẽ có lợi thế dễ tăng giá và rủi ro giảm ít hơn khi thị trường chung điều chỉnh.

HỒI PHỤC Canh mua tích lũy

Vùng Hồi phục đại diện cho nhóm cổ phiếu vừa thoát ra khỏi nhịp giảm ngắn hạn và đang dần quay trở lại với các phiên hồi phục. Đây cũng có thể coi là nhóm tiềm năng nếu như có nền giá và dư địa dồi dào thì rất có thể trở thành nhóm thu hút mạnh được dòng tiền và tạo ra được đà tăng giá mạnh hơn trong giai đoạn kế tiếp. Đây sẽ là bài kiểm tra rất quan trọng đối với tất cả các ngành đang trong vùng Suy yếu.

SUY YẾU Canh bán cơ cấu

Các nhóm trong vùng Suy yếu nên chú ý các ngưỡng hỗ trợ mạnh để thanh lọc lại danh mục.

GIẢM MẠNH Quan sát khả năng tạo đáy

Các nhóm ngành trong vùng này có thể sẽ là những nhóm đang chịu các áp lực điều chỉnh và cần tìm vùng hỗ trợ mới trước khi có thể hồi phục và tăng giá trở lại. Do đó đây cũng là khu vực tiềm năng cho các nhân tố đầu tư ứng cử cho nhịp sóng mới tiếp theo.