Thực hiện: Quý Nguyễn - Bộ phận: Chiến lược thị trường PCD Research
Tuần giao dịch vừa qua xứng đáng đi vào lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự bùng nổ thanh khoản với trên 52 nghìn tỷ đồng tính tổng trên 03 sàn trong phiên 3/11 đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên tầm cao mới, thậm chí vượt qua thị trường Singapore. Sự kiện này có thể đưa Việt Nam sớm lọt vào sự chú ý của các quỹ và tổ chức tài chính quốc tế khi quy mô vốn và thanh khoản bắt đầu tiệm cận khu vực và thế giới. Tuy nhiên thanh khoản bùng nổ cần đi kèm với xu thế tăng để khẳng định sự tích cực ngắn hạn và cho tới thời điểm này chưa có nhiều yếu tố khiến cục diện này thay đổi. Chính vì vậy vị thế ngắn hạn vẫn có điều kiện để giao dịch thuận lợi. Dòng tiền vẫn đang có những trọng tâm khá mạnh để duy trì các nhịp tăng giá tại một số nhóm ngành đang hưởng lợi trong bối cảnh ngắn hạn như BĐS dân cư, BĐS khu CN, Chứng khoán, Thép, Phân bón, Hóa chất hay gần nhất là các nhóm có "khẩu vị" Xuất khẩu như Thủy sản, Dệt may, Cảng biển... Nhìn chung việc xoay vòng của dòng tiền liên tục giúp thị trường luôn có những điểm sáng và các nhịp tăng giá của các nhóm cổ phiếu cũng từ đó được sinh ra và luân chuyển. Hiện tượng này là không mới và cũng là cách để thị trường duy trì được dòng tiền và giữ vững được xu hướng tăng suốt từ Tháng 3/2020 đến nay trong khi chỉ xuất hiện một số nhịp điều chỉnh mạnh và sâu do sự luân chuyển dòng tiền bị gián đoạn và kéo theo hiện tượng chốt lời hàng loạt trên diện rộng. Tuy nhiên tổng thể sóng tăng từ Tháng 3/2020 đến nay vẫn chưa thay đổi hướng đi và thậm chí những nhịp điều chỉnh mang tính "rũ bỏ" đó là chính là những lần thị trường tái khởi động vòng luân chuyển mới và có chăng chỉ khác thứ tự của nhóm xuất phát và dẫn sóng mà thôi. Do đó chừng nào sự luân chuyển này vẫn tiếp diễn thì rủi ro trong các giao dịch ngắn hạn sẽ phụ thuộc vào việc dự báo nhóm ngành dẫn dắt dòng tiền và xác định điểm mua đối với cổ phiếu có tiềm năng tăng giá tốt nhất ngành. Ngoài ra, độ cao mới của chỉ số thị trường và mức lan tỏa của dòng tiền đang xoay vòng rất lớn, đây có thể là một chú ý không thừa đối với các hoạt động giải ngân mới vào thời điểm này. Theo đó, chiến lược mua từng phần trên nền giá có sự tích lũy chặt chẽ đối với những cổ phiếu có dư địa tăng tích cực sẽ giúp thực hiện tốt hoạt động quản trị rủi ro cho các giao dịch ngắn hạn trọng bối cảnh hiện tại.
Chú ý: Bán lẻ (MWG, DGW, FRT), CNTT (FPT, CMG), BĐS (VHM, VRE, NVL, BCM, KBC, IJC, KDH, HDG), Ngân hàng (TCB, TPB, VPB, SHB, ACB, OCB, MSB), Điện nước Xăng dầu (GAS, PGV, POW, BWE, HND, GEG), Thực phẩm (VNM, MSN, MCH, MML), Hàng & Dịch vụ CN (ACV, REE, GEX, GMD, VSC, SGP, DVP, TCL, DXP, ILB), Tài nguyên cơ bản (HPG, HSG, MSR, TVN, POM), XD&VLXD (VCS, VGC, VCG, HT1, BCC, DPG, CTR, PC1), Hóa chất (GVR, DGC, PLC, PHR, DPR), Viễn thông (VGI, TTN), Bảo hiểm (BVH, MIG, PVI, BMI), Truyền thông (VNB), Hàng cá nhân & Gia dụng (MSH, TLG, STK, TNG), Du lịch & Giải trí (VJC, SAS), Dịch vụ tài chính (SSI, VND, VCI, E1VFVN30, SHS, MBS).
- Dòng tiền trở lại mạnh mẽ với 02 trọng tâm là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa.
THỐNG KÊ XÁC SUẤT ĐẦU TƯ NGẮN HẠN
- Chỉ báo Cung và Cầu có sự hồi phục trong phiên hôm nay nhưng chưa đáng kể. Đường Cầu rơi nhanh xuống mức dưới 40% cho thấy sự tự tin và chấp nhận mua vào trong những phiên gần đây suy giảm đáng kể. Bên Bán hôm nay cũng hồi phục nhẹ nhưng nó vẫn đảm bảo được trạng thái phân kỳ âm với đường Cầu theo đó diễn biến ngắn hạn thị trường đang dưới sự ảnh hưởng của bên Bán là chủ đạo. Trạng thái này cho thấy sự lình xình có thể lại tái diễn đối với chỉ số thị trường nếu diễn biến Cung & Cầu không sớm được khắc phục.
Vùng Tăng mạnh đang không còn nhóm trụ lớn do đó sự bấp bênh của thị trường sẽ diễn ra mạnh hơn. Nhìn chung dòng tiền vẫn có khẩu vị ngắn hạn khi chủ yếu tập trung tại các nhóm cổ phiếu thuộc ngành XD&VLXD, chứng khoán, hàng cá nhân gia dụng nhưng rõ ràng đây không phải nhóm có thể gồng gành chỉ số thị trường được. Mọi sự chú ý đang nhìn vào nhóm Ngân hàng tuy nhiên sau 02 phiên "nghỉ ngơi" việc xác nhận đây sẽ là nhóm trụ đỡ mới cần thêm sự củng cố. Điều này cũng đang được phản ánh khi nhóm Ngân hàng vẫn đang chưa bứt phá khỏi vùng Giảm mạnh để thoát đáy đi lên. Ngành BĐS đang lùi về vùng Suy yếu tuy nhiên với các đại diện lớn như VIC, VHM đang ở trạng thái tích cực ngắn hạn do đó sự ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số phần nào đó đã được giảm nhẹ.
TĂNG MẠNH Canh chốt lời
Nhóm cổ phiếu trong vùng Tăng mạnh thể hiện lợi thế hấp dẫn được dòng tiền ngắn hạn nhờ đó đà tăng giá được duy trì mạnh hơn so với thị trường chung. Thông thường các nhóm cổ phiếu trong vùng này sẽ có lợi thế dễ tăng giá cũng như giảm ít hơn khi thị trường chung điều chỉnh.
HỒI PHỤC Canh mua tích lũy
Vùng Hồi phục đại diện cho nhóm cổ phiếu vừa thoát ra khỏi nhịp giảm ngắn hạn và đang dần quay trở lại với các phiên hồi phục. Đây cũng có thể coi là nhóm tiềm năng nếu như có nền giá và dư địa dồi dào thì rất có thể trở thành nhóm thu hút mạnh được dòng tiền và tạo ra được đà tăng giá mạnh hơn trong giai đoạn kế tiếp. Đây sẽ là bài kiểm tra rất quan trọng đối với tất cả các ngành đang trong vùng Suy yếu.
Các nhóm trong vùng Suy yếu nên chú ý các ngưỡng hỗ trợ mạnh để thanh lọc lại danh mục.
GIẢM MẠNH Quan sát khả năng tạo đáy
Các nhóm ngành trong vùng này có thể sẽ là những nhóm đang chịu các áp lực điều chỉnh và cần tìm vùng hỗ trợ mới trước khi có thể hồi phục và tăng giá trở lại. Do đó đây cũng là khu vực tiềm năng cho các nhân tố đầu tư ứng cử cho nhịp sóng mới tiếp theo.