Overnight Review 05.04.2021

Overnight Review 05.04.2021

Ngày: 06/04/2021

bản tin phái sinh hợp đồng tương lai

Thực hiện: Bạch Sơn Bách - Bộ phận nghiên cứu 

News Blog 05.04.2021

Lời mở đầu

Sau một thời gian tạm dừng, từ ngày 05.04.2021, bản tin quốc tế hàng ngày của HSC sẽ được khởi động trở lại với những góc nhìn mới, tập trung nhiều hơn về hướng thông tin và nhận định. Trong một thị trường với xu hướng chủ đạo trên toàn cầu là Bull (tăng), những thông tin tích cực là yếu tố vô cùng quan trọng để duy trì đà hưng phấn và sức hút của dòng tiền vào các thị trường rủi ro.

News Blog 05.04.2021

1. Việt Nam hoàn tất bầu "Tứ trụ" mới, chờ đợi điều gì ở nhiệm kỳ tiếp theo?

Trong ngày hôm nay, hai chức danh còn lại trong bộ bốn vị trí nằm giữ quyền lực lớn nhất tại hệ thống Chính trị Việt Nam (Tổng Bí Thư - Lãnh đạo Đảng, Chủ tịch Nước - Nguyên thủ Quốc gia, Thủ tướng - Hành pháp, Chủ tịch Quốc hội - Lập pháp và giám sát) là Thủ tướng và Chủ tịch Nước đã được Quốc hội khóa XIV hoàn tất việc bầu chọn trong ngày hôm nay, với kết quả là cả hai ứng viên gồm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (được giới thiệu ứng cử Chủ tịch Nước), và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính (được giới thiệu ứng cử Thủ tướng) đều nhận được số phiếu đồng thuận cao. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với những thành công về mặt xây dựng quan hệ đối tác với nhiều quốc gia trong thời điểm chủ nghĩa dân túy bùng lên ở nhiều cường quốc (Mỹ, Anh, Pháp, ...) cũng như hình ảnh thân thiện trong mắt người dân, được kỳ vọng sẽ tiếp nối những di sản của mình ở cương vị mới. Nhiều chuyên gia phân tích về Việt Nam trong khu vực và Thế giới cũng đều có chung quan điểm này. Trong khi đó, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là vị Thủ tướng đầu tiên nhậm chức mà không trải qua bất kỳ ngày nào trên cương vị phó Thủ tướng trước đây. Điều này cùng với lý lịch quá khứ nhiều năm hoạt động trong ngành An ninh có thể làm nhiều người quan ngại về định hướng và năng lực điều hành nền kinh tế của ông. Tuy nhiên ở góc nhìn của mình, chúng tôi cho rằng định hướng chính trong phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới sẽ không có gì thay đổi so với nhiệm kỳ vừa qua, đó là: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chủ động nắm bắt và tiếp thu các công nghệ sản xuất hiện đại, nhằm nâng cao năng suất lao động và kết hợp cùng lợi thế cạnh tranh về chi phí để tạo ra lợi thế bền vững trong phát triển kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát triển khối doanh nghiệp nội địa một cách bền vững. Thêm vào đó, những di sản mà nhiệm kỳ trước của nguyên Thủ tướng Phúc để lại là rất tích cực, một nền kinh tế tăng trưởng hấp dẫn và hướng tới tăng trưởng bền vững và đồng đều, cùng với một công cuộc kiểm soát dịch bệnh với mục tiêu kép được thực hiện hiệu quả, biến Việt Nam thành một điểm sáng của Thế giới trong năm qua sẽ là bước đà thuận lợi để tân Thủ tướng tiếp tục phát huy và sáng tạo, nhằm đưa Việt Nam tiếp tục phát triển vững mạnh trong tương lai.

2. Thông tin tích cực tới tấp, chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục phá đỉnh?

Hàng loạt các thông tin vĩ mô tích cực đã và đang ngày càng ủng hộ xu hướng tăng của thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ riêng trong hôm nay đã chứng kiến một loạt thông tin tốt về các số liệu vĩ mô tại thị trường lớn nhất Thế giới này. Chỉ số ISM dịch vụ (tương đương với PMI cho ngành sản xuất) trong tháng qua đã tăng lên mốc kỉ lục 63.7 điểm (từ mốc 55.3 điểm trong tháng 2), vượt mọi dự đoán của giới phân tích (mức consensus được Bloomberg thống kê là 59). Tiếp theo đó, tồn kho nhà ở tại Mỹ cũng đã ở mức thấp kỉ lục (310 nghìn căn trong tuần trung bình 7 ngày tính tới hôm nay), giảm tới 60% so với cùng kì năm trước, cho thấy sức hút với thị trường địa ốc tại Mỹ vẫn là rất hấp dẫn, trong khi rủi ro dư cung chưa phải quá nghiêm trọng. Các thông tin này cùng với số liệu việc làm tốt bất ngờ được công bố vào cuối tuần trước (916 nghìn việc làm mới), cùng với sự chờ đợi vào gói "siêu bơm tiền" đầu tư hạ tầng (infrastructure plan) của tân Tổng thống Biden sẽ tiếp tục tạo đà cho nền kinh tế Mỹ hồi phục, và thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm.

3. Giá trị giao dịch NĐT cá nhân tại Mỹ giảm mạnh, thị trường đã trở lại đúng bản chất?

Chắc hẳn vẫn chưa ai quên những ngày tháng đầu năm nay, khi thị trường chứng khoán Mỹ sôi sục bởi nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ (retail investors). Nhóm nhà đầu tư này đã thật sự tạo ra một "cơn điên" trên thị trường, khi mua vào bất kì loại tài sản đầu tư nào, tạo ra một làn sóng tăng giá trên mọi mặt trận tài sản, từ cổ phiếu, tới tiền điện tử (crypto), và thậm chí là cả thị trường phái sinh với các hợp đồng quyền chọn. Cụm từ "nhà đầu tư reddit", ám chỉ nhóm nhiều nhà đầu tư hô hào trên nền tảng diễn đàn reddit cũng từ đó mà xuất hiện. Và chắc hẳn cũng chưa ai quên được cuộc chiến GameStop, khi lần đầu tiên nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tuyên chiến với các "cá mập" (các quỹ phòng hộ Hedge fund) trên thị trường thông qua việc mua vào các cổ phiếu mà trước đây đã bị các quỹ đầu tư này bán khống khiến giá cổ phiếu về mức rẻ mạt. Tuy nhiên, sau những cú giảm giá của nhóm các cổ phiếu công nghệ, vốn được ưa chuộng rất lớn bởi nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Mỹ (Tesla, Facebook, Alphabet, ...), trong đó điển hình là Tesla (đã có lúc mất tới 40% giá trị so với đỉnh tháng 1), có vẻ các nhà đầu tư cá nhân tại Mỹ đã bắt đầu nhận ra được sự khốc liệt của thị trường chứng khoán, và rằng kiếm được tiền từ thị trường này sẽ không đơn giản như lý thuyết "cứ mua là lên, cứ mua là lời" mà họ từng tự hào trước đó. 

Giá trị giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Mỹ theo đó cũng đã giảm mạnh, từ mức kỉ lục 2 tỉ USD/phiên vào ngày 29 tháng 1 xuống chỉ còn 772 triệu USD vào ngày 26/3 vừa qua. Lượt truy cập vào trang web của các công ty môi giới được ưa chuộng bới các nhà đầu tư cá nhân tại Mỹ cũng sụt giảm mạnh theo, dù trước đó có nhiều bên thậm chí còn phải chật vật để giữ hệ thống của mình được thông suốt. Rõ ràng rằng, ngoài việc "thấm đòn" từ những pha điều chỉnh sâu và sốc của thị trường (đặc biệt là tại Mỹ, khi các sản phẩm phái sinh với đòn bảy cao được ưa chuộng, dẫn tới việc call margin và cháy tài khoản cũng xảy ra nhanh và thường xuyên), việc nền kinh tế Mỹ tái mở cửa cũng khiến một phần không nhỏ dòng tiền nhỏ lẻ bắt đầu quay trở lại với những nhịp chi tiêu thông thường của một đời sống không dịch bệnh. 

Nhìn sang thị trường Việt Nam, 2020 và đầu 2021 cũng chứng kiến sức mạnh khổng lồ từ phía các nhà đầu tư nhỏ lẻ, với lượng tài khoản mở mới liên tục phá vỡ mọi kỉ lục trước đó. Đi kèm theo đó là khối lượng và giá trị giao dịch cũng không ngừng tăng, và một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư cũng mang trong mình quan điểm của nhà đầu tư tại Mỹ, rằng thị trường chỉ lên và cơ hội kiếm tiền nhanh "như ăn kẹo" từ chứng khoán là rõ ràng. Tuy nhiên, như một câu nói nổi tiếng "không có bữa trưa nào miễn phí", quy luật giao dịch của thị trường chứng khoán vẫn sẽ là không thay đổi: lợi nhuận của người này sẽ tới từ thua lỗ của kẻ khác. Sau một chu kỳ tăng giá trên mọi mặt trận từ một nền tảng thấp trong cơn hoảng loạn và bán tháo cách đây tròn một năm, ở một bằng giá mới của thời điểm hiện tại, câu chuyện tiếp theo của đầu tư chứng khoán sẽ phải là câu chuyện được tính toán kĩ lưỡng. Những cơ hội 30%-50% hay thậm chí "ăn bằng lần" sẽ không còn xuất hiện nhiều nữa, và đó mới là lúc những góc nhìn đa chiều, thức thời và chuyên sâu của giới phân tích và các nhà đầu tư có cơ bản trở nên có trọng lượng.

 

Miễn trừ trách nhiệm: Báo cáo này chỉ được cung cấp nhằm để tham khảo, được đưa ra dựa trên một số giả định và điều kiện thị trường tại ngày của báo cáo và có thể thay đổi mà không được thông báo. Mặc dù tất cả thông tin trình bày trong báo cáo này được thu thập hoặc phát triển từ nguồn thông tin mà HSC cho là đáng tin cậy, (các) tác giả của báo cáo này và HSC không đưa ra bất kỳ tuyên bố hay bảo đảm nào về sự chính xác, tính trung thực hay sự đầy đủ của các thông tin đó. HSC không chịu bất kỳ trách nhiệm thuộc bất kỳ loại nào phát sinh từ hay liên quan đến việc sử dụng hay dựa vào thông tin hay ý kiến trình bày trong báo cáo này.