Overnight Review 19.01.2021

Overnight Review 19.01.2021

Ngày: 19/01/2021

bản tin phái sinh hợp đồng tương lai

Thực hiện: Bạch Sơn Bách - Bộ phận nghiên cứu & Châu Phạm - Bộ phận Chiến lược thị trường PCD Research

News Blog 19.01.2021

Lời mở đầu

Với mong muốn mang tới cho các khách hàng của HSC Online một tài liệu buổi sáng hàng ngày có tính đầy đủ và đặc sắc hơn, và cũng là một cách để chúng tôi - đội ngũ thực hiện tự làm mới bản thân, hòng tìm kiếm thêm cảm hứng để đưa tới quý khách hàng thêm những sản phẩm hấp dẫn hơn trong thời gian tới, chúng tôi quyết định sẽ biến tấu một chút bản tin Overnight Review hiện tại theo một format khác. Ở format mới này, chúng tôi sẽ cố gắng truyền tải các thông tin chính trên thị trường tài chính và kinh tế chính trị trong 24 giờ qua, dưới lăng kính của những người thực hiện, hòng đưa đến cho quý khách hàng một phương thức tiếp cận gián tiếp tới các nội dung thông tin của các kênh truyền thông lớn nhất Thế giới. Song song với đó, chúng tôi duy trì chuyên mục Chart of the day, ở đó chúng tôi tổng hợp và lựa chọn ra một (hoặc một nhóm) biểu đồ về một chủ đề mà chúng tôi cho rằng đáng chú ý, hoặc có thể liên hệ tới thị trường Việt Nam. Các tóm tắt về góc nhìn thị trường, và một số biểu đồ tương quan trong format cũ (VNINDEX vs MSCI Developed vs MSCI Frontier, chỉ số VIX) cũng sẽ được duy trì ở cuối bản tin.

Hy vọng những sự thay đổi này sẽ không làm ảnh hưởng tới sự quan tâm và ủng hộ của quý khách hàng cho sản phẩm bản tin Overnight Review của HSC Online. Chúng tôi hy vọng quý khách hàng tiếp tục theo dõi và ủng hộ, cũng như đưa ra những góp ý cho đội ngũ thực hiện, để bản tin này nói riêng và các sản phẩm của HSC Online nói chung ngày càng trở thành một công cụ hữu ích cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

News Blog 19.01.2021

  1. Thị trường quốc tế: Mỹ nghỉ lễ, Châu Âu trầm lắng, Châu Á chia ngả.

Trong một ngày chứng khoán Mỹ ngừng giao dịch do đang trong kỳ nghỉ cuối tuần dài (long weekend) với ngày lễ Martin Luther King Jr., dường như mọi con mắt đều đổ dồn tới thị trường Châu Á, với tâm điểm là số liệu kinh tế sơ bộ từ Trung Quốc. Với những kết quả nhìn chung là tích cực (sẽ được chúng tôi phân tích ở phần sau), thị trường Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng ấn tượng trên tất cả các chỉ số (HangSheng, Shanghai, SZCE). Trong khi đó, những lo ngại về kinh tế và dịch bệnh khiến thị trường Nhật Bản lao dốc, với chỉ số Nikkei 225 giảm 0.97%.

  1. Dữ liệu kinh tế Trung Quốc 2020: Mô típ mẫu cho Thế giới dịch bệnh.

Trung Quốc trong ngày hôm qua đã công bố một loạt các chỉ số kinh tế chính, với chi tiết như sau:

- GDP 4Q: +6.5% YoY vs. Dự báo +6.2% vs. 3Q +4.9%

- GDP sơ bộ năm 2020: +2.3% YoY vs. Dự báo +2.1% vs. 9 tháng đầu năm +0.7%

- Sản xuất công nghiệp tháng 12: +7.3% vs Dự báo: +6.9% vs. Tháng 11: +7%

- Bán lẻ tháng 12: +4.6% vs. Dự báo: +5.5% vs. Tháng 11: +5%

Chúng tôi nhìn thấy hai bức tranh trông có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực ra lại sẽ có thể là đặc điểm chính của tăng trưởng kinh tế mùa dịch. GDP Trung Quốc cả năm 2020 có sự phục hồi mạnh trong quý 4, thể hiện ở con số GDP sơ bộ năm cao hơn hẳn con số sơ bộ 9 tháng, dựa vào lực đẩy của quý cuối năm. Tuy nhiên, khi bóc tách số liệu, doanh số bán lẻ tiêu dùng lại tăng chậm hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Khi gợi nhớ lại kiến thức chúng ta từng được học tại trường kinh tế về công thức tính GDP (GDP = Tiêu dùng + Đầu tư + Chi tiêu công + Giá trị XNK ròng), có thể thấy tiêu dùng không phải động lực duy nhất cho tăng trưởng GDP. Do vậy, những nhà điều hành kinh tế hoàn toàn có thể sử dụng các yếu tố còn lại như những vehicles để gồng gánh GDP, một khi tiều dùng gặp vấn đề.

Tại sao chúng tôi lại cho rằng đây có thể là gợi mở về một cấu hình tăng trưởng kinh tế trong mùa dịch? Rõ ràng, yếu tố tiêu dùng, vốn được hầu hết các quốc gia coi như trụ cột hàng đầu hỗ trợ tăng trưởng GDP trong các năm thông thường có vẻ sẽ trở nên khó khăn trong năm 2020 và có thể là cả 2021. Do vậy, chúng tôi cho rằng chi tiêu công (đối với tất cả các quốc gia) và sản xuất công nghiệp (với các nền kinh tế xuất khẩu) sẽ là những đại lượng quan trọng cần được xem xét trong đánh giá cấu trúc tăng trưởng GDP của các nên kinh tế trong mùa dịch bệnh.

  1. Nhiệm kỳ của Biden và cách Thế giới nhìn nhận

Nước Mỹ đang trải qua những giờ khắc cuối cùng trước khi tiễn biệt nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống sắp mãn nhiệm (và có thể là sắp bị truy tố) Donald Trump. 4 năm vừa qua là 4 năm thật sự ông Trump đã khiến toàn Thế giới, từ giới chính trị gia tới giới kinh tế, từ đồng minh đến kẻ thù, đi hết từ ngạc nhiên này tới bất ngờ khác. Tất cả hầu như đều đã "việt vị" khi không thể lường trước kịch bản ông Trump trúng cử vào năm 2016, và cũng rất lúng túng khi chứng kiến những quyết định điều hành của ông trong suốt những năm qua. Ông Trump là một tổng thống đại diện cho việc quay lại những giá trị cũ, nhưng theo một kiểu mới. Các chính sách và quyết định của ông trong 4 năm qua đã khiến không chỉ các kẻ thù, mà chính các đồng minh cảm thấy bất ngờ, và thậm chí là khó hiểu. Và chính những sự thay đổi chính sách tới 180 của ông Trump so với những nhiệm kỳ Tổng thống gần đây đã càng cô lập nước Mỹ trên nhiều góc nhìn hợp tác đa phương khác nhau.

Giờ đây, khi nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Biden chuẩn bị bắt đầu, tất cả lại cùng nín thở chờ đợi xem vị chính trị gia cổ điển này sẽ giải quyết thế nào với mớ bòng bong mà người tiện nhiệm của ông đã kể lại. Chương trình nghị sự của Biden đã  đưa ra một số gợi í, trong đó có các chính sách hạ nhiệt với Trung Quốc, hủy bỏ sắc luật cầm người Hồi giáo, tái tham gia nghị định Paris, cùng như bật đèn xanh cho việc Mỹ muốn tái đàm phán gia nhập CP-TPP. Song, với những bài học từ việc bị động khi ra quyết sách sau khi ông Trump lên ngôi cách đây 4 năm, giờ đây, cả Thế giới sẽ theo dõi rất kĩ những gì Biden làm, trong khi nội bộ nước Mỹ vẫn còn đang chia rẻ khủng khiếp. 

 

Chart of the day 19.01.2021: Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng được nhìn nhận đúng mực

Chúng tôi nhìn thấy một điều khiến những người sống với thị trường chứng khoán cảm thấy vui và đầy hy vọng, đến từ diễn biến những con số trên hình. Việc chỉ số vốn hóa thị trường/GDP của Việt Nam ngày càng tăng và tiệm cận mức 100% cho thấy hai điểm: Thứ nhất, doanh nghiệp ngày càng coi trọng thị trường chứng khoán như một kênh huy động vốn hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn từ 2018 tới nay, với nhiều thương vụ IPO lớn đã diễn ra, mang lại nguồn vốn quý giá cho nhiều doanh nghiệp để đầu tư mở rộng và phát triển hoạt động. Thứ hai, sự quan tâm của nhà đầu tư tới TTCK ngày càng tăng cao, với năm 2020 thì đặc biệt phải nói tới khối NĐT cá nhân trong nước, khi lượng mở mới tài khoản, cũng như giá trị giao dịch trung bình và giá trị giao dịch cao nhất đã liên tục lập những kỉ lục mới.

Tương quan biến động VN30 so với các chỉ số MSCI mới nổi và MSCI cận biên

  • Đường màu đỏ: VN30
  • Đường màu xanh lá: Thị trường mới nổi
  • Đường màu xanh dương: Thị trường phát triển

 

Chỉ số VIX Index: đo mức độ cảm xúc của nhà đầu tư

Mức 24.08 điểm:

 

Miễn trừ trách nhiệm: Báo cáo này chỉ được cung cấp nhằm để tham khảo, được đưa ra dựa trên một số giả định và điều kiện thị trường tại ngày của báo cáo và có thể thay đổi mà không được thông báo. Mặc dù tất cả thông tin trình bày trong báo cáo này được thu thập hoặc phát triển từ nguồn thông tin mà HSC cho là đáng tin cậy, (các) tác giả của báo cáo này và HSC không đưa ra bất kỳ tuyên bố hay bảo đảm nào về sự chính xác, tính trung thực hay sự đầy đủ của các thông tin đó. HSC không chịu bất kỳ trách nhiệm thuộc bất kỳ loại nào phát sinh từ hay liên quan đến việc sử dụng hay dựa vào thông tin hay ý kiến trình bày trong báo cáo này.