Dòng tiền Luân chuyển - 07.05.2021

Dòng tiền Luân chuyển - 07.05.2021

Ngày: 10/05/2021

dòng tiền luân chuyển

Thực hiện: Nguyễn Văn Quý - Bộ phận: Chiến lược thị trường PCD Research

NHÓM TRỤ SẼ LÀM GÌ TRONG TUẦN GIAO DỊCH QUAN TRỌNG NÀY ?!

Mặc dù kết tuần với 02 phiên giảm nhẹ nhưng tổng thể tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ dài ngày đã diễn ra khá tích cực. Xu thế tăng ngắn hạn chưa bị thay đổi hoặc bị ảnh hưởng nhiều bởi 02 phiên cuối tuần nhưng nó cho thấy sự phân hóa nặng nề của dòng tiền. Niềm tin vào các cơ hội ngắn hạn đang bị phân tán trong đó nhóm cổ phiếu Thép và Ngân hàng vẫn là tâm điểm. Cho tới lúc này nhóm vốn hóa lớn, đại diện cho phần lõi của chỉ số vẫn chưa xác nhận được đáy của đợt điều chỉnh ngắn hạn khiến cho dòng tiền không thể lan tỏa mạnh mẽ. Cũng chính vì lý do này mà điểm bùng nổ theo đà trên diện rộng vẫn chưa thể kích hoạt. Dù sao sự xuất hiện hồi phục nhẹ trong tuần qua tại một số nhóm ngành mới như Dầu khí, Chứng khoán, BĐS, Bán lẻ... cũng khiến cho bức tranh thị trường có thêm màu sắc của sự kỳ vọng. Những nhóm ngành này dù chưa thể bứt phá mạnh nhưng ít nhất cũng đã tìm cho mình một điểm cần bằng trong ngắn hạn do đó cũng có thể coi là những nhân tố tiềm năng nếu như điểm bùng nổ theo đà có thể hình thành. Kịch bản này vẫn phụ thuộc vào cách mà các nhóm ngành trụ vận động như thế nào trong con đường đi tìm đáy ngắn hạn. Nếu may mắn, nhóm này sẽ chỉ tạo ra sức ì cho chỉ số và trong bối cảnh này các giao dịch ngắn hạn vẫn có đất diễn thông qua tập trung vào nhóm ngành đang hút tiền. Trường hợp xấu có thể xảy ra nếu như nhóm vốn hóa lớn tiếp tục hạ độ cao và đương nhiên sẽ gây áp lực giảm lớn lên chỉ số thị trường. Theo đó, cơ hội và xác suất giao dịch sẽ bị thu hẹp rất nhanh kéo theo là sự điều chỉnh có thể bị kéo dài thêm. Ngoài ra, sự kiện ngày 11/5 liên quan đến đợt cơ cấu lại danh mục của MSCI cũng là ẩn số cần chú ý. Một số giao dịch bất thường vào phiên ATC ngày cuối tuần qua cho thấy đang có những hoạt động cơ cấu diễn ra. Tuy nhiên, sau khi áp dụng bộ chỉ số mới từ 1/3/2021, ước tính tỷ trọng của Việt Nam tại chỉ số MSCI mới chỉ đạt 16,15% (dự kiến ban đầu đạt 28,76%) có thể sẽ khiến biến động trong đợt cớ cấu lần này không gây nhiều khó khăn cho thị trường do tỷ trọng của Việt Nam đã thu hẹp lại đáng kể.

    Chú ý:  Bán lẻ (MWG, DGW, VPG, SBV), CNTT (FPT, ITD), BĐS (VIC, VHM, BCM, PDR, KBC, NLG, DXG), Tài nguyên cơ bản (HPG, HSG, DHC, NKG), Hàng cá nhân & gia dụng (PNJ, GIL, MSH), Ngân hàng (VCB, CTG, VPB, TCB, MBB, HDB, ACB, TPB), Ô tô phụ tùng (HAX), Thực phẩm (VNM, MSN, MCH, VCF, SLS, SBT), XD&VLXD (VCG, BMP, HT1, CII), Hóa chất (DGC, DPR), Viễn thông (FOX, TTN), Dịch vụ tài chính (VCI, HCM, SSI, VND, E1VFVN30), Y tế (IMP, DCL).

  • Phái sinh đã có những nỗ lực hồi phục trong phiên chiều tuy nhiên vẫn đóng dưới mức pivot point tại 1330. Basis sau phiên này tăng vọt trở lại mức 17 điểm cùng với lượng hợp đồng mở qua đêm (OI) cũng tăng lên 32 nghìn cho thấy phe Short đang tự tin với kịch bản giảm ngắn hạn. Do kết phiên chỉ số vẫn nằm dưới mức điểm đảo chiều nên vị thế Long sẽ chưa có cơ hội để lật ngược tình thế. Tuy nhiên với OI và basis đang ở mức khá cao khiến cho diễn biến đảo chiều chớp nhoáng rất có thể xảy ra nhằm bào mòn các vị thế Short. Kịch bản này chỉ có thể xảy ra khi chỉ số xác nhận được đáy mới tại 1330. Hệ thống hỗ trợ đang tập trung tại 1320, 1315 và mạnh tại 1300, trong khi kháng cự mục tiêu là cản 1330, 1340, 1360 và mạnh tại 1350. Short nếu thủng hỗ trợ mạnh 1300, Long nếu xác nhận bứt phá thành công cản 1330. 
  • Chứng quyền tiếp tục duy trì mức thanh khoản cao trên 100 triệu đơn vị bất chấp sự rung lắc của phía cơ sở. Điểm nóng trong phiên cuối tuần lại tiếp tục hướng về các chứng quyền mua của HPG. Chứng quyền CHPG2104 và CHPG2105 cũng lần lượt lập đỉnh mới, cả hai chứng quyền này đều đã tăng gấp ba lần kể từ đầu tháng 4, đồng thời mở ra dư địa tăng trưởng khi cổ phiếu HPG vượt qua kháng cự kỹ thuật tại 60. Loạt chứng quyền khác cũng thu hút thanh khoản là chứng quyền của TCB, nhưng đều tại cây nến Doji và cho trạng thái cân bằng về cung-cầu.

  • Bên mua (Cầm tiền): Kiên nhẫn tận dụng nhịp chỉnh chờ giá về vùng hỗ trợ mạnh mới xem xét tích lũy dần. Đặc biệt chú ý các cổ phiếu đang thiết lập được nền giá với dư địa & reward/risk tốt. Tham chiếu đến diễn biến bán tại nhóm vốn hóa lớn để tính toán điểm xuất hiện và kết thúc đợt điều chỉnh.
  • Bên bán (Cầm cổ phiếu): Lọc các nhóm cổ phiếu quá yếu tận dụng các phiên hồi kỹ thuật để hạ bớt tỷ trọng. Những cổ phiếu có phản ứng tốt tại các ngưỡng hỗ trợ mạnh (MA20, đỉnh/đáy quá khứ), giá giảm nhưng với thanh khoản thấp thì nên giữ.

Cung và Cầu có dấu hiệu hội tụ nhưng chưa có phân kỳ dương xảy ra nên kịch bản bứt phá mạnh cũng chưa có nhiều cơ sở. Đà lan tỏa nhóm vốn hóa lớn lại thất bại trọng việc xác nhận xu thế ngắn hạn khi lại cắt xuống đường trung bình động MA10 một lần nữa. Diễn biến này cho thấy nhóm vốn hóa lớn chưa đủ độ chín để bứt phá ngắn hạn từ đó sự đồng thuận theo chiều hồi phục cũng như sự hộ trợ của nhóm với chỉ số tiếp tục chưa thể đạt được.  

PHÂN BỔ TỶ TRỌNG THEO BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

- Chỉ báo Giá trị Danh mục với nhóm dùng hoặc không dùng margin đang cho tín hiệu chưa gia tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu.

 

 

- Theo đó, nhóm không sử dụng margin được khuyến nghị mức nắm giữ cổ phiếu ở mức 34 % trên tổng tài sản.

- Đồng thời hệ thống cũng khuyến nghị tỷ lệ margin đang sử dụng hiện nên giữ ở mức 63% trên tổng sức mua tại HSC là 140%.

Tỷ lệ Margin trên hệ thống của HSC (trong TH các mã cho vay tối đa 50%)

  • Tỷ lệ Margin = 0: Nhà đầu tư chưa dùng đến vay nợ
  • Tỷ lệ Margin 0 - 140: Trạng thái bình thường
  • Tỷ lệ Margin > 140: Margin Call

XU HƯỚNG NGÀNH

Các nhóm ngành dịch chuyển theo hướng bị phân hóa mạnh. Số lượng vào vùng Hồi phục và Tăng mạnh khá cân bằng với nhóm đang vào vùng Giảm mạnh. Rất may là nhóm ngành trụ gồm BĐS (VIC) và Ngân hàng (VCB) là vẫn còn trong vùng Hồi phục do đó phần nào chưa ủng hộ đà giảm trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên diễn biến này mới chỉ tạo ra lực đỡ cho chỉ số vì vậy nếu kỳ vọng chỉ số tăng thì các nhóm trụ cần phải bứt phá mạnh hơn nữa và trước mắt là xác nhận được vùng đáy ngắn hạn của đợt điều chỉnh hiện tại.

TĂNG MẠNH Canh chốt lời

Nhóm cổ phiếu trong vùng Tăng mạnh thể hiện lợi thế hấp dẫn được dòng tiền ngắn hạn nhờ đó đà tăng giá được duy trì mạnh hơn so với thị trường chung. Thông thường các nhóm cổ phiếu trong vùng này sẽ có lợi thế dễ tăng giá cũng như giảm ít hơn khi thị trường chung điều chỉnh.

HỒI PHỤC Canh mua tích lũy

Vùng Hồi phục đại diện cho nhóm cổ phiếu vừa thoát ra khỏi nhịp giảm ngắn hạn và đang dần quay trở lại với các phiên hồi phục. Đây cũng có thể coi là nhóm tiềm năng nếu như có nền giá và dư địa dồi dào thì rất có thể trở thành nhóm thu hút mạnh được dòng tiền và tạo ra được đà tăng giá mạnh hơn trong giai đoạn kế tiếp. 

SUY YẾU Canh bán cơ cấu

Các nhóm trong vùng Suy yếu nên chú ý các ngưỡng hỗ trợ mạnh để thanh lọc lại danh mục.

GIẢM MẠNH Quan sát khả năng tạo đáy

 

Các nhóm ngành trong vùng này có thể sẽ là những nhóm đang chịu các áp lực điều chỉnh và cần tìm vùng hỗ trợ mới trước khi có thể hồi phục và tăng giá trở lại. Do đó đây cũng là khu vực tiềm năng cho các nhân tố đầu tư ứng cử cho nhịp sóng mới tiếp theo.